leftcenterrightdel
Lính canh trước nhà thờ Milan. Ảnh: Reuters 

Nước Ý  đang là nước có số người chết do Covid-19 đứng thứ 2 thế giới (sau Trung Quốc) và đứng đầu châu Âu với 463 ca tử vong. Tỉ lệ người nhiễm bệnh ở đây hiện cũng tăng cao nhất thế giới và tiệm cận đến con số 10.000 người. Chỉ tính riêng ngày 8/3-9/3 số ca nhiễm đã tăng từ 7.375 ca lên 9.172 ca (tức tăng tới 24% ứng với 1.797 người).

Trong đó, chỉ riêng vùng Lombardy ở miền bắc nước Ý đã có tới hơn 300 ca tử vong do Covid-19. Đây là vùng giàu có nhất nước Ý và là một trong các vùng đang bị phong tỏa để ngăn lây lan Covid-19.

Ngày 9/3, Thủ tướng Ý Giuseppe Conte thông báo toàn bộ nước Ý sẽ được đặt dưới lệnh phong tỏa cho đến đầu tháng 4, theo Hãng tin Reuters. Đây là một biện pháp chưa từng có để ngăn lây Covid-19 ở nước này. Thủ tướng Ý yêu cầu người dân ở nhà và cấm mọi hoạt động tụ tập nơi công cộng cùng với tất cả trận đấu trong khuôn khổ giải vô địch quốc gia Serie A.

Ý chưa từng rơi vào tình trạng kiểm soát gắt gao như vậy kể từ Thế chiến II. Các trạm kiểm tra của cảnh sát được đặt ở nhà ga, sân bay, trạm thu phí và mọi cửa ngõ các thành phố.

Chính phủ nước này đã kêu gọi những bác sĩ về hưu trở lại làm việc với hy vọng kịp thời tăng viện cho đội ngũ nhân viên y tế quốc gia chỉ có khoảng 20.000 người.

Người dân được yêu cầu viết đơn "tự chứng thực" về các lý do đi lại, gửi cho cơ quan hữu quan tại các nhà ga, sân bay và chốt kiểm soát trên tuyến đường lớn kết nối các thành phố. Sắc lệnh nhấn mạnh đơn khai báo dựa trên cơ sở tin tưởng lẫn nhau và người dân không cần cung cấp bằng chứng cho nhu cầu đi lại của mình.

Ngoài nước Ý, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã có người dân nhiễm Covid-19. EU ngày 9/3 thông báo các lãnh đạo khối sẽ tham gia cuộc họp trực tuyến khẩn cấp để thảo luận biện pháp chung nhằm đối phó Covid-19. Cuộc họp nhiều khả năng diễn ra trong ngày 10/3, sau khi Ý và Pháp đồng loạt kêu gọi toàn châu Âu đưa ra gói kích thích kinh tế để cân bằng những tác động từ dịch.

Hoài Thu