Hôm 17/4, Indonesia đã ban hành cảnh báo sóng thần sau khi núi lửa Ruang ở huyện Sitaro, tỉnh Bắc Sulawesi, phía bắc đảo Sulawesi phun trào trở lại, giải phóng cột tro bụi cao hàng cây số. Các quan chức đã lệnh cho hơn 11.000 người sơ tán khỏi khu vực.

Trung tâm Giảm nhẹ thiên tai địa chất và núi lửa Indonesia (PVMBG) cho biết, núi lửa đã có ít nhất 5 đợt phun trào lớn trong 24 giờ qua, bắt đầu từ 19h19’đêm ngày 16/4. Cảnh báo núi lửa đã được nâng lên mức cao nhất.

leftcenterrightdel
 Núi lửa Ruang phun trào trở lại vào đêm 16/4. Ảnh: BPBD Sitaro / AP.

Một đoạn video về vụ phun trào hôm 17/4 được chia sẻ cho thấy cột tro đen cuồn cuộn vần vũ trên bầu trời và những dòng dung nham phát sáng, kèm theo những tia sét. 

Trước đó, trong ngày 17/4, ít nhất 800 cư dân đã được sơ tán khỏi khu vực, bao gồm cư dân trên đảo Tagulandang, phía đông bắc của núi lửa.

leftcenterrightdel
 Núi lửa Ruang nằm phí bắc đảo Sulawesi. Nguồn: Mapbox.

Chính quyền địa phương khuyến cáo khách du lịch và cư dân tránh xa núi lửa Ruang cao 725 m, ít nhất trong bán kính 6 km.

Các quan chức lo ngại một phần núi lửa có thể sụp đổ xuống biển và gây ra sóng thần như từng xảy ra năm 1871.

leftcenterrightdel
 Video núi lửa Ruang của Indonesia phun trào.Nguồn: @NoNameAM0000.

Cơ quan Giảm nhẹ Thiên tai Quốc gia Indonesia (BNPB) cho biết, người dân sẽ được di dời đến Manado, thành phố gần nhất trên đảo Sulawesi, với hành trình vượt biển kéo dài 6 giờ.

leftcenterrightdel
 Dung nham nóng chảy trên miệng núi lửa. Ảnh: ANTARA /HO-PVMBG.

Chính quyền huyện Sitaro đã ban bố tình trạng khẩn cấp từ 16 -29/4 để hỗ trợ các nỗ lực giảm nhẹ thiên tai.

Năm 2018, vụ phun trào của núi lửa Anak Krakatau ở Indonesia đã gây ra sóng thần dọc bờ biển Sumatra và Java sau khi một phần ngọn núi rơi xuống biển khiến 430 người thiệt mạng.

leftcenterrightdel
 Núi lửa Ruang giải phóng dung nham và cột tro bụi khổng lồ lên bầu trời đêm 17/4. Ảnh: PVMBG /AFP/Getty.

Indonesia, quốc gia quần đảo 270 triệu dân, có hơn 120 ngọn núi lửa đang hoạt động, nhiều hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới.

Nước này thường xuyên chứng kiến hoạt động địa chấn và núi lửa do nằm dọc theo Vành đai lửa, một vòng cung dài 40.000 km gồm các đường đứt gãy địa chấn quanh Thái Bình Dương.

Văn Phong (theo AP)