Hành xử “phát xít” và “diệt chủng”!

Ngày 11/10, Chính phủ Nicaragua tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Israel khi quốc gia Trung Mỹ cáo buộc Chính phủ Israel hành xử “phát xít” và “diệt chủng” trong cuộc xung đột ở Trung Đông.

Giải thích động thái này, theo Chính phủ Nicaragua, là do các cuộc tấn công của Israel vào lãnh thổ của người Palestine, cũng như việc mở rộng cuộc chiến sang Lebanon và đe dọa nghiêm trọng đến Syria, Yemen và Iran. Các cuộc tấn công đã gây thương vong dân sự nghiêm trọng và kéo dài.

leftcenterrightdel
 Quốc hội Nicaragua bỏ phiếu thông qua nghị quyết kêu gọi Chính phủ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Israel, ngày 11/10. Nguồn: QH Nicaragua.

Trước đó cùng ngày, Quốc hội Nicaragua đã thông qua nghị quyết kêu gọi chính quyền của Tổng thống Daniel Ortega, một đồng minh của Iran, cắt đứt quan hệ với Israel, đúng vào dịp tròn một năm bùng nổ cuộc chiến tranh Gaza.

“Cuộc đấu tranh của Palestine, một vết thương hở trong trái tim thế giới, không thể trì hoãn thêm nữa. Quốc gia chúng ta, như một ngọn hải đăng của công lí, đòi hỏi sự độc lập của Nhà nước này, nơi đã phải chịu đau khổ và bạo lực.”, Ngoại trưởng Nicaragua, Valdrack Jaentschke phát biểu trước Quốc hội.

Phản ứng quốc tế trước các cuộc tấn công của Israel

Ngày 11/10, Quân đội Israel (IDF) tiếp tục các cuộc không kích dữ dội nhắm vào các mục tiêu ở Gaza và Lebanon.

Theo Cơ quan phòng vệ dân sự Gaza, trong ngày, ít nhất 61 người Palestine đã thiệt mạng trong các cuộc không kích của Israel vào dải đất, trong đó có 30 trường hợp thiệt mạng tại Jabalia, trại tị nạn lớn nhất Gaza. 

Trước đó cùng ngày, số liệu công bố từ Cơ quan Y tế Gaza, cho biết, ít nhất 42.126 người Palestine đã thiệt mạng sau hơn một năm xảy ra cuộc xung đột.

Trong khi tại Lebanon, Bộ Y tế nước này cho biết, trong 24 giờ qua, Israel đã thực hiện 57 cuộc không kích và pháo kích tập trung vào khu vực miền Nam Lebanon, vùng ngoại ô phía nam Beirut và thung lũng Bekaa.

leftcenterrightdel
 Các thành viên lực lượng phòng vệ dân sự Lebanon tại hiện trường một mục tiêu không kích của Israel ở Basta, Beirut, ngày 11/10. Ảnh:AFP.

Các cuộc tấn công mới nhất đã khiến ít nhất 60 người thiệt mạng, bao gồm 2 trẻ em và 168 người khác bị thương, nâng tổng số người thiệt mạng do xung đột tại Lebanon trong năm qua lên 2.229 người và 10.380 người bị thương.

Văn phòng Cao ủy LHQ  về nhân quyền cho biết, hơn 100 nhân viên y tế và dịch vụ khẩn cấp đã thiệt mạng tại Lebanon kể từ khi xung đột giữa Israel và Hezbollah bắt đầu cách đây một năm.

Hai binh sĩ người Sri Lanka thuộc Lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ tại Lebanon (UNIFIL) đã bị thương sau khi IDF nổ súng vào một cơ sở của UNIFIL ở Naqoura vào ngày 11/10.

Trước đó vào ngày 10/10, 2 binh sĩ UNIFIL người Indonesia cũng đã bị thương sau khi chòi canh của họ bị trúng đạn xe tăng của Israel.

leftcenterrightdel
 Lực lượng cứu hộ tại hiện trường vụ không kích của Israel ở Beirut, ngày 11/10. Ảnh: Louisa Gouliamaki/Reuters.

Các vụ tấn công của IDF nhắm vào Lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ tại Lebanon đã gây phẫn nộ từ các quốc gia tham gia sứ mệnh. 

Phố Downing cho biết, Thủ tướng Anh, Keir Starmer, đã “bàng hoàng” khi đọc các báo cáo nói Israel cố tình nhắm mục tiêu vào lực lượng UNIFIL.

Một tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo Pháp, Ý và Tây Ban Nha cho biết, các cuộc tấn công là “không thể biện minh”, “không thể chấp nhận” và cấu thành vi phạm nghiêm trọng các nghĩa vụ của Israel theo luật nhân đạo quốc tế.

Sau Tổng thống Pháp Macron, Thủ tướng Tây Ban Nha, Pedro Sánchez, đã kêu gọi cộng đồng quốc tế ngừng cung cấp vũ khí cho Israel. 

leftcenterrightdel
 Một tòa nhà ở khu phố Basta, Beirut, Lebanon bị phá hủy sau một cuộc không kích của Israel ngày 11/10. Ảnh: AFP.

Bộ ngoại giao Pháp đã triệu tập Đại sứ Israel về một vụ việc trong đó quân đội Israel đã nổ súng vào 3 vị trí thuộc UNIFIL ở Lebanon.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, ông đã yêu cầu Israel không tấn công lực lượng UNIFIL trong cuộc xung đột với Hezbollah. 

Ngoại trưởng Mỹ, Antony Blinken, bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về viễn cảnh xung đột lan rộng ở Trung Đông.

Trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết, trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Israel, Yoav Gallant, vào đêm 10/10, ông đã lưu ý việc đảm bảo an toàn cho lực lượng UNIFIL.

Ngày 11/10, Tổng thư kí LHQ, Antonio Guterres, nhấn mạnh, các cuộc tấn công nhắm vào Lực lượng gìn giữ hòa bình là không thể chấp nhận được.

“Trong thời gian làm Tổng thư kí, tôi chưa từng thấy bất kì tình huống nào về sự chết chóc và tàn phá thảm khốc như những gì chúng ta đang chứng kiến hiện nay.”, ông Guterres nói, nhấn mạnh, thế giới đang chứng kiến một thảm kịch tồi tệ ở Lebanon và cần phải cùng nhau ngăn chặn một cuộc chiến tranh toàn diện tại đây.