Luật pháp vượt lãnh thổ
Việc chi phối phần còn lại của thế giới nằm ở chỗ một số luật của Mỹ có thể được áp dụng với các cá nhân và pháp nhân của nước thứ ba do mối liên hệ của họ với Mỹ. Chẳng hạn như sử dụng hình thức thanh toán bằng đồng USD. Đó là thứ vũ khí không thể so sánh mà Mỹ dùng để trừng phạt các cá nhân và doanh nghiệp nước ngoài.
Thông thường, luật này áp dụng đối với các công ty hiện diện trên thị trường tài chính có Mỹ tham gia điều hành. Những luật này liên quan đến 3 lĩnh vực chủ yếu: Các biện pháp trừng phạt quốc tế đang có hiệu lực, kể cả đơn phương do Mỹ đưa ra. Trừng phạt các quan chức nước ngoài bị cáo buộc tham nhũng. Áp đặt đối với công dân Mỹ không sống ở Mỹ nhưng phải nộp thuế cho Mỹ. Đối với ông Trump, việc tăng cường áp dụng luật pháp vượt ra ngoài phạm vi lãnh thổ là một phần quan trọng trong học thuyết của ông.
Trừng phạt kinh tế
Hôm qua là Cuba, Libya, Sudan, hôm nay là Iran, Nga. Mỹ áp đặt lênh trừng phạt kinh tế hoặc cấm vận đối với nhiều nước tùy từng trường hợp cụ thể. Thượng viện Mỹ mới đây đã thông qua luật chống đối thủ của Mỹ bằng trừng phạt (CAATSA) để trừng phạt Nga. Luật mới áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào thực thể hay các quốc gia ký hợp đồng vũ khí với doanh nghiệp Nga.
Tháng 5 vừa qua, Washington cũng thiết lập trở lại lệnh cấm vận đối với Iran và yêu cầu các nước khác phải tôn trọng, nếu không sẽ bị Mỹ áp đặt các khoản tiền phạt lớn. Cuối tháng 9, ông Donald Trump đã kêu goi tất cả các nước cô lập chính thể Iran.
Và thực tế là, theo phân tích của tờ La Tribune, các nước nên thận trọng nếu muốn lách lỗ hổng. Văn phòng kiểm soát tài sản nước ngoài (OFAC) của Bộ Tài chính Mỹ có chức năng giám sát việc thực thi lệnh trừng phạt quốc tế của Mỹ trong lĩnh vực tài chính, biên chế 200 nhân viên và được cấp ngân sách khoảng 30 triệu USD.
OFAC chủ yếu giám sát các giao dịch tài chính toàn cầu để phát hiện các chuyển động bất hợp pháp. Các giao dịch thực hiện theo đường chính thức đều được ghi lại và do đó đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ.
|
|
ITAR giúp cho nước Mỹ kiểm soát dòng chảy mua bán trang thiết bị quốc phòng của nhiều quốc gia. |
Ngân hàng BNP Parisbas của Pháp năm 2014 đã bị áp một khoản tiền phạt khổng lồ gần 9 tỷ USD vì vi phạm lệnh trừng phạt quốc tế của Mỹ. Trong vụ việc này, Bộ Tư pháp Mỹ đã đề cao khía cạnh an ninh quốc gia, một trong những luận điểm chính khi viện dẫn nguyên tắc mở rộng luật pháp ra ngoài phạm vi lãnh thổ. Đầu tháng 9-2018, Ngân hàng Société Général của Pháp ước tính họ sẽ phải trả khoản tiền phạt khoảng 1,2 tỷ Euro sau khi thực hiện một số giao dịch bằng USD với một số nước đang bị Mỹ trừng phạt.
Từ tháng 10, Ngân hàng Danske Bank, một trong những ngân hàng lớn nhất của Đan Mạch bị đặt trong diện điều tra của Mỹ. Chi nhánh Estonia của nó trong giai đoạn 2007-2015 đã làm trung gian để thực hiện các giao dịch trị giá khoảng 200 tỷ Euro cho khoảng 15.000 khách hàng không cư trú thường xuyên tại Estonia. Những giao dịch này tiến hành bằng USD và Euro, trong đó một phần khá lớn bị nghị ngờ nhằm mục đích rửa tiền, lên đến hàng chục tỷ Euro.
Luật chống tham nhũng nước ngoài
Washington luôn giám sát chặt chẽ nạn tham nhũng. Luật pháp của Mỹ trừng phạt rất nghiêm khắc tội tham nhũng của các tác nhân công cộng ở nước ngoài. Cuộc chiến này được tiến hành thông qua Luật Chống hành vi tham nhũng nước ngoài (FCPA) ban hành từ năm 1977.
Và Mỹ có đầy đủ công cụ để làm điều này, trong đó có Công ước Về đấu tranh chống tham nhũng của quan chức thông qua giao dịch thương mại quốc tế, được thông qua trong khuôn khổ Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) từ năm 1997. Và Mỹ là một trong những nước thúc đẩy tích cực ngay từ đầu. Ngoài ra, chống tham nhũng cũng là ưu tiên thứ hai của FBI, chỉ sau chống khủng bố.
Việc không tôn trọng quy định này sẽ kéo theo những hậu quả tài chính rất khủng khiếp. Năm 2014, Tập đoàn Alstom của Pháp phải trả khoản tiền phạt 772 triệu USD do vi phạm luật chống tham nhũng của Mỹ. Bộ Tư pháp Mỹ cũng đã phạt Siemens, tập đoàn mua lại bộ phận giao thông của Alstom 800 triệu USD, Total 398 triệu USD, Alcatel 137 triệu USD và rất nhiều công ty lớn nhỏ khác.
Tập đoàn Airbus cũng đang nằm trong tầm ngắm của tư pháp Mỹ và hiện đang theo sát cuộc điều tra của Cơ quan Giám sát gian lận nghiêm trọng của Anh và Viện Công tố Pháp nhằm vào họ.
Chủ nghĩa bảo hộ thương mại
Đây là một trong những nguy cơ lớn nhất đối với trao đổi thương mại thế giới - sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ. Theo đánh giá của tập đoàn bảo hiểm Pháp Aon trong Bản đồ quốc tế về rủi ro chính trị, khủng bố vào bạo lực chính trị phiên bản năm thứ 21, năm 2017 có tới 20% số biện pháp bảo hộ thị trường do Mỹ khởi xướng, làm gia tăng đáng kể hậu quả của nó đối với kinh tế toàn cầu.
Ông Jean-Baptiste Ory, Giám đốc phụ trách nghiên cứu rủi ro của tập đoàn, khi đó đã nhận xét: “Các quyết định do ông Donald Trump đưa ra chủ yếu ảnh hưởng tới ngành luyện kim, công nghiệp hàng không và có thể kéo theo các biện pháp trả đũa, nhất là từ phía Trung Quốc”.
Và Jean-Baptiste Ory đã không nhầm. Sau đợt áp thuế 25% đối với 50 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc đầu mùa hè vừa qua nhằm mục đích trừng phạt, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tiếp tục tăng thuế đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Ông Trump cũng đe dọa đánh thuế cao đối với 267 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu còn lại, tức là gần như toàn bộ xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ.
Bắc Kinh đã tuyên bố đáp trả bằng cách tăng thuế từ 5% đến 10% đối với hàng nhập khẩu của Mỹ có giá trị khoảng 60 tỷ USD hằng năm. Và cho đến thời điểm này, mọi thứ vẫn chưa ngã ngũ.
Kiểm soát đầu tư
Từ lâu Mỹ đã là quốc gia mà các nhà đầu tư nước ngoài phải chứng tỏ thiện chí trước khi muốn mua lại một công ty sở hữu công nghệ nhạy cảm. Nhưng, với ông Donald Trump, điều đó là chưa đủ. Washington mới đây đã ban hành một số biện pháp mới nhằm khóa chặt ngành công nghiệp của họ.
Các quy định mới đưa ra trong khuôn khổ cải tổ Ủy ban Đầu tư nước ngoài (CFIUS) được thông qua vào giữa năm nay sẽ yêu cầu nhà nước đầu tư nước ngoài phải xin phép nhà chức trách Mỹ trước khi mua lại cổ phần, chưa cần tới mức độ chi phối của doanh nghiệp Mỹ thuộc một trong 27 lĩnh vực then chốt, trong đó có hàng không, viễn thông, công nghệ thông tin, bán dẫn và pin.
|
|
Lĩnh vực hàng không vũ trụ và thám không chịu tác động rất nhiều bởi ITAR. |
Đây là lần cải tổ CFIUS đầu tiên trong 10 năm trở lại đây. Chính quyền ông Trump còn muốn đi xa hơn nữa, dự kiến sẽ đưa ra thêm một số quy định chặt chẽ liên quan đến ngành trí tuệ nhân tạo và cơ sở hạ tầng.
Các biện pháp này đã có hiệu lực từ ngày 10-11-2018, bắt buộc tất cả các thương vụ đầu tư nước ngoài trong những lĩnh vực then chốt phải được xem xét và có thể bị bác bỏ nếu như nó “đe dọa làm xói mòn vị thế vượt trội về công nghệ” của Mỹ. Có 3 trường hợp kích hoạt sự giám sát của CFIUS: nếu thương vụ do một nhà đầu tư nước ngoài thực hiện, dù chỉ nắm cổ phần nhỏ; nếu khoản đầu tư đó dẫn tới việc trao cho người nước ngoài một vị trí trong hội đồng quản trị của doanh nghiệp Mỹ đang dự kiến được đầu tư; và nếu nhà đầu tư nước ngoài có thể tác động đến việc ra quyết định của doanh nghiệp công nghệ.
Không có một nước cụ thể nào được nêu tên nhưng trong quá khứ, CFIUS đã bác bỏ một số kế hoạch đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc. Chẳng hạn như Tập đoàn Huawei, vừa dính bê bối với việc Canada bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu và khả năng cao là sẽ dẫn độ sang Mỹ, đã phải từ bỏ việc mua lại các doanh nghiệp tin học 3Leaf vào năm 2012 và 3Com năm 2008. Năm 2016, theo thống kê, CFIUS đã xem xét 172 thương vụ giao dịch, vào thời điểm đó chủ yếu là mua lại cổ phần chi phối và tiến hành 79 cuôc điều tra, trong đó chỉ bác bỏ một trường hợp.
ITAR
4 chữ viết tắt gây ra mối quan ngại đặc biệt trong giới công nghiệp quốc phòng toàn cầu: ITAR, hay Luật quản lý thương mại vũ khí quốc tế. Vậy thì ITAR là cái gì và áp dụng trong trường hợp nào? Nếu như một hệ thống vũ khí có trong thành phần cấu tạo ít nhất một bộ phận do Mỹ sản xuất, nằm trong diện quản lý của ITAR, thì Mỹ có quyền cấm bán nó cho một nước thứ ba.
Và thực tế là rất nhiều công ty của châu Âu nói chung và của Pháp nói riêng tích hợp thành phần chế tạo tại Mỹ, nhất là bộ phận điện tử vào trang thiết bị do mình chế tạo, trong đó lĩnh vực hàng không vũ trụ chiếm nhiều nhất.
Antoine Bouvier, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn vũ khí MBDA của châu Âu tháng 5-2011 đã thừa nhận trước Quốc hội Pháp: “Sự phụ thuộc của chúng ta vào các bộ phận nằm trong diện quản lý của ITAR là một điểm nhạy cảm”.
Mới đây, Washington đã phủ quyết một hợp đồng bán tên lửa hành trình Scalp do MBDA chế tạo cho Ai Cập và Qatar. Hậu quả là quyết định này cũng trì hoãn luôn việc Pháp bán thêm máy bay Rafale cho Ai Cập.
Rõ ràng đây là hành vi xâm phạm chủ quyền của Pháp. Thế nhưng, đây không phải lần đầu tiên Mỹ chơi trò cân não với đồng minh. Trước đó, Washington đã nghiên cứu rất lâu một hợp đồng giữa Pháp với Mỹ và cuối cùng đã không phê chuẩn.
Năm 2013, Mỹ đã bác một hợp đồng tái xuất cho Các tiểu vương quốc Arab thống nhất các bộ phận “Made in America” rất cần thiết để chế tạo 2 vệ tinh gián điệp cho tập đoàn Airbus và Thales của Pháp. Vấn đề chỉ được dàn xếp ổn thỏa trong chuyến thăm Mỹ tháng 2-2014 của Tổng thống Francois Hollande.
Luật Cloud Act
Luật làm rõ việc sử dụng hợp pháp dữ liệu ở nước ngoài (Cloud Act) có hiệu lực đối với tất cả các doanh nghiệp nằm trong quyền tài phán của Mỹ và kiểm soát các dữ liệu, bất kể họ đặt dữ liệu ở đâu. Các tập đoàn điện toán đám mây lớn của Mỹ và chi nhánh của chúng sẽ phải chấp hành, kể cả các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này của một nước khác, dù là châu Âu nhưng hoạt động trên lãnh thổ Mỹ.
Nói cách khác, dữ liệu lưu trữ ngoài lãnh thổ Mỹ nhưng nằm trong server thuộc công ty Mỹ không còn được coi là an toàn như trước. Luật cho phép nhà chức trách Mỹ tiếp cận dữ liệu kể từ khi chúng được các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây của Mỹ lưu trữ mà không cần thông báo cho người dùng, mặc dù các dữ liệu này đặt tại Pháp hay liên quan đến công dân Pháp. Việc này cũng không cần phải có trát của tòa án.
Dưới thời Tổng thống Donald Trump, Washington càng đóng trọn vai trò sen đầm thế giới. So với những người tiền nhiệm, Tổng thống Donald Trump đã đi xa hơn một cách rất kiên quyết. Việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và áp đặt trở lại lệnh trừng phạt đã làm suy yếu, thậm chí phá vỡ hoàn toàn thỏa thuận, vốn được đánh giá là có tầm quan trọng đặc biệt trong cuộc đấu tranh chống phổ biến vũ khí hạt nhân và đối với sự ổn định khu vực. Washington cũng đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga và gần đây nhất, sự việc vẫn còn gây ầm ĩ và ảnh hưởng chưa thể đánh giá được hết, là cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.
Và không phải chỉ có ông Trump, những tổng thống trước cũng chưa bao giờ chần chừ trong việc áp dụng kho vũ khí đáng sợ này. Và kết quả là từ năm 2009 đến 2016, các ngân hàng châu Âu đã phải trả 16 tỷ USD tiền phạt do vi phạm các biện pháp trừng phạt quốc tế mà Mỹ đơn phương áp đặt hoặc liên quan đến luật chống rửa tiền của Mỹ, trong đó riêng Ngân hàng BNP Paribas phải trả tới 8,97 tỷ.
Chừng đó là rất nhiều, chưa kể Mỹ luôn sẵn sàng thực thi luật pháp của mình vượt ra ngoài phạm vi lãnh thổ. Bởi vì ngoài các biện pháp trừng phạt kinh tế và tài chính áp đặt đối với các doanh nghiệp không phải của Mỹ, Washington đã làm lung lay quan hệ xuyên Đại Tây Dương và làm suy yếu quyền tự quyết về chính sách kinh tế của các nước khác, cũng như chủ quyền đối ngoại của họ.