Ngày 18/5 , tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô và Quảng trường Thánh Phêrô, Đức tân Giáo hoàng Lêô XIV đã chủ trì thánh lễ nhậm chức, được gọi là Thánh Lễ khai mạc sứ vụ Phêrô.
Buổi lễ bắt đầu lúc 10h sáng, giờ Rome (15h giờ Việt Nam) và kéo dài hơn 2 giờ, đánh dấu sự khởi đầu chính thức của triều đại Giáo hoàng Lêô.
    |
|
Một số hình ảnh trong lễ nhậm chức của Giáo hoàng Lêô/ Vaticannews. |
Tòa Thánh Vatican ước tính có khoảng hơn 200.000 người tham dự sự kiện trong và xung quanh Quảng trường Thánh Phêrô, với hơn 150 phái đoàn quốc tế.
Phó Tổng thống Mỹ JD Vance, Ngoại trưởng Marco Rubio, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cùng nhiều nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ các quốc gia trên thế giới tham dự sự kiện.
Theo Tòa Thánh Vatican, trong Thánh lễ nhậm chức được tổ chức long trọng này có một số nghi thức đặc biệt, đáng chú ý là nghi thức Trao biểu tượng Giám mục phêrô (trao Dây Pallium và Nhẫn Ngư phủ).
    |
 |
Quảng trường Thánh Phêrô nơi diễn ra Thánh lễ nhậm chức của Đức tân Giáo hoàng Lêô. Nguồn: ALBERTO PIZZOLI / AFP/ Getty. |
    |
 |
Dòng người chật kín tham dự Thánh lễ nhậm chức của Đức Giáo hoàng Lêô tại Quảng trường Thánh Phêrô. Nguồn: Antonio Masiello / Getty. |
    |
 |
Đức Giáo hoàng Lêô xuất hiện tại Quảng trường Thánh Phêrô, bắt đầu buổi lễ. Ảnh: Domenico Stinellis. |
Nhẫn Ngư phủ được nói mang ý nghĩa của một chiếc nhẫn ấn tín, biểu tượng ấn tín đức tin.
Bài giảng trong Thánh Lễ nhậm chức- bài giảng nhân dịp bắt đầu sứ vụ, Đức Giáo hoàng Lêô XIV nói: “Tôi được chọn không do công trạng nào, và với tâm tình khiêm tốn, tôi đến với anh chị em như một người anh em, mong được trở nên người phục vụ đức tin và niềm vui của anh chị em, cùng nhau bước đi trên con đường tình yêu Chúa, Đấng muốn quy tụ tất cả chúng ta thành một gia đình duy nhất”.
    |
|
Một số hình ảnh, thông tin về lễ nhậm chức. Nguồn: KENS5. |
Ông kêu gọi từ bỏ hận thù, bạo lực và chia rẽ, đồng thời lên án “mô hình kinh tế khai thác tài nguyên của Trái Đất và đẩy người nghèo ra bên lề”.
Khi kết thúc Thánh lễ nhậm chức, Đức Giáo hoàng Lêô XIV đã hướng suy nghĩ của mình đến các vùng chiến sự trên thế giới khi đọc kinh Regina Caeli.
“Ở Gaza, những đứa trẻ, gia đình và người già sống sót đang phải chịu cảnh đói khát”, ông nói trước khi than phiền về tình trạng bạo lực tái diễn ở Myanmar đã “cướp đi những sinh mạng trẻ thơ vô tội”.
    |
 |
Một nghi thức trong Thánh lễ nhậm chức. Nguồn: InfoR00M. |
    |
 |
Đức Giáo hoàng Lêô chào các tín đồ tại Quảng trường Thánh Phêrô. Ảnh: Riccardo De Luca / Anadolu / Getty. |
Ông cũng nhắc nhở các tín đồ tham dự rằng “Ukraine đang kiếm tìm các cuộc đàm phán cho một nền hòa bình công bằng và lâu dài”.
Trong bài giảng trước đó, Đức Giáo hoàng đã kêu gọi một thế giới nơi “hòa bình ngự trị”.
Tòa thánh Vatican cho biết, Giáo hoàng Lêô XIV có cuộc gặp riêng với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cùng ngày sau Thánh lễ.
Những cảnh quay bên trong Vương cung thánh đường Thánh Phêrô cho thấy, hàng trăm người xếp hàng để được bắt tay Đức Giáo hoàng Lêô.
    |
 |
Ước tính khoảng hơn 200.000 người tham dự Thánh lễ nhậm chức của Đức Giáo hoàng. Nguồn: TurkElias. |
    |
 |
Đức Giáo hoàng Lêô XIV nhận chiếc Nhẫn Ngư phủ từ Hồng y Luis Antonio Tagle, nghi thức quan trọng trong Thánh lễ nhậm chức. Ảnh: Vaticannews. |
    |
 |
Cận cảnh chiếc Nhẫn Ngư phủ mang ý nghĩa của một ấn tín, biểu tượng ấn tín đức tin. Ảnh: Vaticannews. |
Tòa Thánh Vatican cũng cho biết, Đức Giáo Hoàng Lêô đã tiếp Tổng thống Peru, bà Dina Boluarte vào buổi sáng ngay trước lễ nhậm chức. Peru là nơi ông đã sống suốt hai thập kỷ và phục vụ với tư cách là Giám mục Chiclayo.
Trước đó, ngày 12/5, trong buổi tiếp kiến dành cho giới truyền thông tại đại thính đường Phaolô VI, với sự hiện diện của khoảng 3.000 nhà báo, Đức Giáo hoàng Lêô XIV giải thích rằng, hòa bình bắt đầu từ mỗi người chúng ta: “từ cách chúng ta nhìn người khác, lắng nghe người khác, nói chuyện với người khác”. Do đó, cách thức chúng ta truyền thông có tầm quan trọng cơ bản: “chúng ta phải nói ‘không’ với chiến tranh bằng ngôn ngữ và hình ảnh, chúng ta phải chối từ các mô hình chiến tranh”.
    |
 |
Bằng Thánh Lễ khai mạc sứ vụ, Đức Giáo hoàng Lêô chính thức bắt đầu "triều đại" của mình. Ảnh: Vaticannews. |
Ông nhắc lại lời nhắn nhủ của Đức cố Giáo hoàng Phanxicô trong sứ điệp cho Ngày Thế giới Truyền thông: “loại bỏ khỏi truyền thông sự phán xét, giận dữ, cực đoan và thù hận; thanh tẩy chúng khỏi sự hiếu chiến. Điều cần thiết không phải là một nền truyền thông ồn ào, cơ bắp nhưng là một nền truyền thông có khả năng lắng nghe, có khả năng thu thập tiếng nói của những người yếu thế không có tiếng nói. Hãy cùng nhau giải trừ vũ khí bằng lời nói và chúng ta sẽ giúp giải trừ vũ khí trên Trái Đất”.