Trong thông báo y tế được công bố vào chiều tối ngày 21/4, giờ địa phương, Phòng báo chí Tòa Thánh Vatican xác nhận, ba nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc Đức Giáo hàng Francis qua đời, do đột quỵ não, hôn mê và suy tim không hồi phục.
Trong thông báo, Giám đốc Sở Y tế và Vệ sinh thuộc Phủ thống đốc Vatican, Andrea Arcangeli, cũng liệt kê các tiền sử bệnh án của Đức Giáo hoàng, bao gồm: suy hô hấp cấp do viêm phổi đa vi khuẩn hai bên, giãn phế quản đa ổ, cao huyết áp và tiểu đường loại II.
“Cái chết được xác định thông qua ghi nhận điện tâm đồ. Tôi tuyên bố rằng, theo hiểu biết và lương tâm của mình, các nguyên nhân của cái chết là những điều đã được nêu ở trên.”, ông Arcangeli kết luận.
Đức Giáo hoàng Francis đã qua đời lúc 7h35’ sáng ngày 21/4, giờ địa phương (12h35’ giờ Việt Nam).
Ông đã phải điều trị chứng viêm phổi, vốn là căn bệnh mãn tính, tại Bệnh viện Gemelli ở thủ đô Rome, Ý từ nửa cuối tháng 2.
    |
 |
Hình ảnh cuối cùng của Đức Giáo hoàng Francis trong Ngày Lễ Phục Sinh 20/4. |
Khi đó, thông báo của Tòa Thánh Vatican nói, tình trạng sức khỏe của ông nghiêm trọng, khó thở dạng hen kéo dài, phải hỗ trợ thở ô xy, tuy ông vẫn tỉnh táo.
Hôm 20/4, Đức Giáo hoàng đã tham gia thánh lễ Phục sinh để chúc mừng sự phục sinh của Chúa Giêsu. Ông xuất hiện trên ban công Vương cung Thánh đường Thánh Peter ở Vatican, thu hút sự cổ vũ từ một đám đông các tín đồ.
Trong thông điệp, Đức Giáo hoàng Francis đã đề cập đến tình hình ở Gaza, nơi các cuộc tấn công của quân đội Israel vẫn đang diễn ra khốc liệt, giết chết hàng chục người Palestine mỗi ngày.
Đức Giáo hoàng kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức và thả con tin, nói rằng “cuộc xung đột khủng khiếp tiếp tục gây ra cái chết,s ự hủy diệt và tạo ra tình trạng nhân đạo kinh hoàng và tồi tệ”.
Về Ukraine, Đức Giáo hoàng nhấn mạnh hòa bình là cần thiết. “Nguyện xin Chúa Giêsu phục sinh ban hòa bình làm món quà trong lễ này cho Ukraine, đất nước bị chiến tranh tàn phá, và khuyến khích tất cả các bên liên quan theo đuổi những nỗ lực nhằm đạt được một nền hòa bình lâu dài công bằng.”, ông nói.
    |
 |
Giáo hoàng Francis xuất hiện trên ban công chính Vương cung Thánh đường Thánh Peter trong lễ Phục sinh 20/4 để ban phép lành “Urbi et Orbi”. Nguồn: Vatican. |
Đức Giáo hoàng cũng đề cập đến Myanmar, nơi đã bị ảnh hưởng bởi những trận động đất lớn vào tháng 3. Ông kêu gọi mọi người tiếp tục các hoạt động cứu trợ.
Đức Giáo hoàng Francis nói rằng, chúng ta đừng quên giúp đỡ người dân Myanmar. Ông nói người dân Myanmar đã trải qua nhiều năm xung đột vũ trang và hiện đang phải đối phó với hậu quả của trận động đất với lòng can đảm và kiên nhẫn.
Tòa Thánh Vatican đã thông báo 9 ngày để tang cố Giáo hoàng Francis, trong đó Thánh lễ an táng sẽ được cử hành vào ngày 26/4.
Theo thông báo của Tòa Thánh, Hội đồng Hồng y sẽ được thiết lập để cai quản các hoạt động hàng ngày, tổ chức tang lễ. Hội đồng Hồng y cũng sẽ tổ chức mật nghị bỏ phiếu bầu Giáo hoàng mới, từ ngày thứ 15 đến ngày thứ 20 sau khi Đức Giáo hoàng qua đời.