Cuối ngày 7/5, giờ Rome, một tin tức từ Tòa thánh Vatican cho biết, 133 Hồng y chưa bầu được Giáo hoàng sau lần bỏ phiếu đầu tiên.

Hơn 2 tuần sau khi Đức Giáo hoàng Francis qua đời và sau 12 phiên họp chung của Hồng y đoàn để thảo luận về các vấn đề của Giáo hội và thế giới, đặc biệt suy tư về chân dung một vị tân Giáo hoàng thích hợp và cần thiết cho Giáo hội và thế giới, vào chiều ngày 7/5, tại Nhà nguyện Sistine, 133 Hồng y cử tri đã bắt đầu nhóm họp trong sự kiện gọi là Mật nghị để bầu chọn vị Giáo hoàng thứ 267.

leftcenterrightdel
 Phiên họp chung thứ 12 của Hồng y đoàn ngày 6/5, một ngày trước khi bắt đầu Mật nghị. Ảnh: Vaticannews.

Theo Tông hiến quy định việc bầu Giáo hoàng, từ ngày thứ 15 đến ngày thứ 20 sau khi Giáo hoàng qua đời hoặc thoái vị, Mật nghị hồng y (hay còn gọi Cơ mật viện bầu Giáo hoàng), là cuộc họp kín của Hồng y đoàn- thủ tục bầu Giáo hoàng truyền thống được thực hiện lần đầu tiên năm 1061, phải được tổ chức tại Nhà nguyện Sistine ở Thành Vatican, để bầu ra vị tân Giám mục của giáo phận Rome, người sẽ trở thành Giáo hoàng tiếp theo của Giáo hội Công giáo.

leftcenterrightdel
 Khói đen bốc lên tối ngày 7/5 từ mái Nhà nguyện Sistine, nơi diễn ra Mật nghị, báo hiệu việc chưa bầu được Giáo hoàng/ Vaticannews.

Ứng viên đắc cử phải có ít nhất 2/3 số phiếu của các Hồng y cử tri có mặt tại thời điểm bầu cử. Việc không đạt được số phiếu quy định nên quá trình bầu cử có khi phải trải qua nhiều ngày, nhiều tháng, thậm chí hàng năm, qua rất nhiều vòng bầu cử.

Đây được coi là cuộc bầu cử bí mật và nghiêm ngặt nhất thế giới, nơi các Hồng y cử tri được tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài trong suốt quá trình diễn ra Mật nghị, tuyệt nhiên không được đọc báo, sử dụng điện thoại và các thiết bị ghi âm, ghi hình..; mục đích nhằm tránh rò rỉ các tin tức trong quá trình bầu cử, cũng như tránh bị tác động bởi các áp lực bên ngoài.

leftcenterrightdel
 133 Hồng y cử tri thực hiện cuộc bỏ phiếu kín với nghi thức nghiêm ngặt để bầu ra vị Giáo hoàng thứ 267/ Getty.

Theo truyền thống được thực hiện từ năm 1939, kết quả bầu cử sẽ được báo tin ra bên ngoài- nơi Quảng trường Thánh Phêrô có hàng chục ngàn người tụ tập ngóng tin bầu Giáo hoàng, qua thông điệp khói đen (thất bại) và khói trắng (thành công), từ việc đốt các lá phiếu sau khi được kiểm phiếu sau mỗi vòng bỏ phiếu, bằng chiếc lò gang đặt bên trong Nhà nguyện Sistine.

Chiếc bếp thứ hai, được kết nối, để đốt các hóa chất tạo ra màu khói đen hay khói trắng.

leftcenterrightdel
 Hàng chục ngàn người tụ tập tại Quảng trường Thánh Phêrô ngóng tin bầu Giáo hoàng. Ảnh: Vaticannews.

Trở lại cuộc bầu cử đang diễn ra, lúc 21h tối ngày 7/5, giờ Rome (2h ngày 8/5, giờ Việt Nam) khói đen từ ống khói trên mái Nhà nguyện Sistine bay lên, báo hiệu 133 Hồng y vẫn chưa bầu được Giáo hoàng thứ 267 trong lịch sử Giáo hội, sau lần bỏ phiếu đầu tiên.

Tại Quảng trường Thánh Phêrô, nơi 45.000 người hướng mắt nhìn chăm chăm vào ống khói Nhà nguyện Sistine, chào đón tin tức này bằng tiếng hô vang.

leftcenterrightdel
 “Phòng Nước mắt” trong Nhà nguyện Sistine, nơi ngay sau khi được bầu, tân Giáo hoàng sẽ mặc phẩm phục Giáo hoàng lần đầu tiên, trước khi ra mắt tại ban công chính Đền thờ Thánh Phêrô để chào các tín hữu. Nguồn:Vaticannews.

Thông báo từ Tòa thánh Vatican cho biết, ngày 8/5, việc bỏ phiếu bầu Giáo hoàng sẽ tiếp tục. Việc bỏ phiếu diễn ra hàng ngày, 2 lần vào buổi sáng và 2 lần vào buổi chiều, trừ ngày đầu tiên chỉ có một lần vào buổi chiều, cho đến khi bầu được Giáo hoàng.

Các lá phiếu được đốt một lần vào cuối buổi sáng sau hai lần bỏ phiếu, và một lần vào cuối buổi chiều cũng sau hai lần bỏ phiếu, trừ khi có kết quả sau lần bỏ phiếu đầu tiên vào buổi sáng hay buổi chiều.

Văn Phong (theo Vaticannews)