Tương lai của Ukraine thuộc về NATO!
Hôm 10/7, các nhà lãnh đạo NATO nhất trí rằng, tương lai của Ukraine thuộc về NATO và con đường mà Kyiv hướng tới mục tiêu đó là “không thể đảo ngược”, đồng thời cam kết hỗ trợ lâu dài cho Kyiv.
Mặc dù không đưa ra mốc thời gian cụ thể để Ukraine gia nhập liên minh, tuy nhiên các nhà lãnh đạo NATO cho biết, lời mời Ukraine gia nhập khối sẽ được đưa ra khi các đồng minh đồng thuận và các điều kiện được đáp ứng.
“Chúng tôi hoan nghênh những tiến bộ cụ thể mà Ukraine đã đạt được kể từ Hội nghị thượng đỉnh Vilnius về các cải cách dân chủ, kinh tế và an ninh cần thiết.”, tuyên bố của Hội nghị thượng đỉnh Washington, được công bố ngày 10/7, viết.
|
|
Hội nghị thượng đỉnh kỉ niệm 75 năm thành lập NATO ở Washington, Mỹ, ngày 9/7. Ảnh: Reuters/Nathan Howard. |
Thông cáo nhấn mạnh, liên minh sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine trên con đường không thể đảo ngược hướng tới sự hội nhập hoàn toàn vào châu Âu- Đại Tây Dương, bao gồm cả tư cách thành viên NATO.
Trước đó, Ngoại trưởng nước chủ nhà Antony Blinken cũng đã sử dụng cụm từ "không thể đảo ngược" khi nói về tiến trình Ukraine gia nhập NATO, miễn là Kyiv tiếp tục cải cách; cho rằng đó là con đường ngắn để gia nhập liên minh.
Mỹ triển khai tên lửa tầm xa ở Đức
Mỹ sẽ bắt đầu triển khai tên lửa tầm xa hơn ở Đức vào năm 2026, thông báo được 2 nước đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh NATO.
Đây được cho là một bước đi mạnh mẽ nhằm chống lại những gì các đồng minh cho là mối đe dọa ngày càng gia tăng của Nga đối với châu Âu.
Với quyết định này, Mỹ sẽ gửi đến Đức những vũ khí mạnh nhất đặt tại lục địa châu Âu kể từ Chiến tranh Lạnh, một cảnh báo rõ ràng tới Moscow.
|
|
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm 75 năm thành lập NATO, Washington, DC, ngày 9/7. Ảnh: SAUL LOEB / AFP. |
Một tuyên bố chung của Mỹ và Đức cho biết, việc triển khai theo đợt hiện nay là để chuẩn bị cho việc đồn trú lâu dài hơn ở châu Âu, với các khả năng bao gồm trang bị các tên lửa SM-6, Tomahawk và các loại vũ khí siêu thanh đang phát triển có tầm bắn xa hơn.
Động thái này lẽ ra bị cấm theo Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), được Mỹ và Liên Xô ký năm 1987, nhưng hiệp ước đã đổ vỡ vào năm 2019.
“Chúng ta không thể xem nhẹ khả năng xảy ra một cuộc tấn công chống lại chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước Đồng minh.”, thông cáo lưu ý.
NATO tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ cho Ukraine
Một thông cáo của NATO cho biết, các nước đồng minh có kế hoạch cung cấp cho Ukraine ít nhất 43 tỉ đô la viện trợ quân sự trong năm tới.
Trong khi một tuyên bố chung do các nhà lãnh đạo Mỹ, Hà Lan, Romania, Ý, Đức và Ukraine đưa ra, nói, Washington và các đồng minh sẽ chuyển bổ sung cho Ukraine 5 hệ thống phòng không, bao gồm cả hệ thống tên lửa Patriot và các bộ phận của Patriot.
“Chúng tôi sẽ cung cấp thêm cho Ukraine các hệ thống phòng không chiến lược, bao gồm các khẩu đội Patriot bổ sung do Mỹ, Đức và Romania tài trợ; các bộ phận Patriot do Hà Lan và các đối tác khác tài trợ để đưa thêm một khẩu đội Patriot vào hoạt động cũng như một hệ thống SAMP-T do Ý tài trợ.”, tuyên bố chung viết.
|
|
Ông Jens Stoltenberg bày tỏ muốn đến thăm Ukraine một lần nữa trên cương vị Tổng Thư ký NATO. Nguồn: @jensstoltenberg. |
Trong khi phát biểu tại một cuộc họp của NATO ở Washington, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thông báo, các máy bay chiến đấu F-16 đã bắt đầu hướng đến Ukraine.
“Tôi cũng vui mừng thông báo rằng khi chúng ta thảo luận ở đây, việc chuyển giao máy bay phản lực F-16 cho Ukraine đang được tiến hành, đến từ Đan Mạch, Hà Lan. Những máy bay phản lực đó sẽ bay trên bầu trời Ukraine ngay mùa Hè này để đảm bảo Kyiv có thể tiếp tục tự vệ hiệu quả trước sự các lực lượng Nga.”, ông Blinken cho biết.
Trước đó, trong bài phát biểu khai mạc hội nghị của NATO hôm 9/7, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, NATO đang mạnh hơn bao giờ hết và Ukraine có thể và sẽ ngăn chặn Tổng thống Nga Vladimir Putin (trong ý định ‘xóa Ukraine khỏi bản đồ’), với sự ủng hộ toàn diện và tập thể của chúng ta”.
Ông Biden bày tỏ hài lòng khi tất cả các thành viên NATO đều cam kết mở rộng cơ sở công nghiệp của khối và phát triển kế hoạch sản xuất quốc phòng trong nước.
|
|
Tân Thủ tướng Anh Keir Starmer (bên phải), người tuyên bố kiên định ủng hộ Kyiv ngay khi nhậm chức, gặp Tổng thống Ukraine Zelensky tại hội nghị thượng đỉnh NATO. Nguồn: @ZelenskyyUa. |
Nhà lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh, NATO cần sản xuất mạnh hơn và nhanh hơn các thiết bị quốc phòng quan trọng, không thể để liên minh "tụt hậu" khi Nga gia tăng sản xuất vũ khí và đạn dược, để cùng nhau "bảo vệ từng tấc đất của NATO".
Về nội dung này, nói với những người đứng đầu ngành công nghiệp quốc phòng ở Washington, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, các nhà lãnh đạo sẽ cam kết tạo điều kiện cho các nhà sản xuất vũ khí trên khắp châu Âu và Bắc Mỹ sản xuất nhiều hơn.
Ông cũng tiết lộ, NATO đã đặt hàng tên lửa phòng không Stinger, vốn tỏ ra hiệu quả trên chiến trường Ukraine, trị giá gần 700 triệu USD, dưới danh nghĩa là một số quốc gia thành viên đặt mua.
Một động thái khác, cùng với việc tuyên bố căn cứ phòng thủ tên lửa đạn đạo của Mỹ ở Ba Lan hiện sẵn sàng hoạt động, các thành viên NATO cũng đã nhất trí thành lập một đơn vị an ninh mạng mới nhằm đối phó với các mối đe dọa tấn công mạng mới nổi nhằm vào liên minh.