Các nước NATO cuối cùng có thể gửi quân tới Ukraine, ít nhất là để huấn luyện và hỗ trợ các thành viên của lực lượng vũ trang Ukraina, tờ Politico dẫn nguồn tin quốc phòng, viết.

“Một quan chức quốc phòng cấp cao của một đồng minh NATO đã nói với phóng viên Paul McCleary của chúng tôi rằng, mặc dù không có kế hoạch gửi quân đến Ukraine nhưng họ tin rằng điều đó ‘cuối cùng’ cũng sẽ xảy ra, ít nhất là dưới dạng huấn luyện và hỗ trợ.’, bài báo cho biết.

Thực tế thiếu nhân sự trong lực lượng vũ trang Ukraine khiến Kyiv đã hướng đến các đồng nghiệp Mỹ và NATO, với yêu cầu giúp đào tạo khoảng 150.000 tân binh để họ có thể được triển khai nhanh hơn. Politico viết, Mỹ đã từ chối, nhưng Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân NATO, Tướng Charles Brown, nói “việc cử các chuyên viên có thể là điều không thể tránh khỏi”.

leftcenterrightdel
 Các binh sĩ thuộc Sư đoàn Dù 101, Mỹ tham gia cuộc tập trận của NATO gần cảng Constanta, Romania, Biển Đen, ngày 31/3/2023. Ảnh: AP.

Trước đó, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Nhà nước của Quốc hội Estonia, Kaleva Stoicescu, nói rằng, không loại trừ khả năng gửi quân NATO tới Ukraine.

Liên quan vấn đề gửi quân tới Ukraine, ngày 26/2, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói “không loại trừ” việc đưa binh sĩ phương Tây tới Ukraine trong tương lai, sau khi vấn đề này được đem ra thảo luận tại một cuộc họp của các nhà lãnh đạo châu Âu ở Paris về hỗ trợ Ukraine.

“Ngày hôm nay không có đồng thuận về việc đưa binh sĩ tới thực địa một cách chính thức, nhưng chúng tôi không thể loại trừ bất cứ điều gì.”, ông Macron nói với truyền thông trong một cuộc họp báo sau hội nghị.

leftcenterrightdel
 Binh sĩ Ukraine trong một buổi huấn luyện chiến đấu. Ảnh: AFP.

Nhà lãnh đạo Pháp cho biết, hội nghị hỗ trợ cho Ukraine quy tụ đại diện của 27 nước thành viên Liên minh châu Âu, trong đó có 21 nguyên thủ quốc gia và đại diện chính phủ; nhấn mạnh, họ sẽ làm mọi điều cần thiết để Nga không thể thắng trong cuộc chiến.

Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí The Economist được công bố hôm 2/5, Tổng thống Pháp nói, sẽ là sai lầm nếu loại trừ bất kỳ hành động cụ thể nào nhằm đáp trả việc Nga xâm chiếm Ukraine, đồng thời cho rằng làm như vậy sẽ làm suy yếu khả năng răn đe Nga.

Ông Macron một lần nữa nhắc lại, ông không loại trừ bất cứ điều gì khi trả lời câu hỏi của The Economist, liệu ông có giữ nguyên tuyên bố hồi đầu năm nay (về khả năng đưa quân đội tới Ukraine) hay không.

Văn Phong/Sputnik, RIA Novosti