Một nguồn tin quân sự nói với Reuters rằng NATO sẽ cần thêm từ 35 đến 50 lữ đoàn để thực hiện đầy đủ các kế hoạch mới nhằm phòng thủ trước một cuộc tấn công từ Nga.

Nguồn tin giấu tên đã từ chối cung cấp thêm cho Reuters bất kỳ chi tiết nào về các kế hoạch đang được giữ bí mật. Một lữ đoàn bao gồm từ 3.000 đến 7.000 quân, vì vậy việc tạo thêm 35 đến 50 đơn vị như vậy sẽ là một thách thức đáng kể.

Trong một dấu hiệu khác về quy mô của sự thách thức đối với NATO khi khối này điều chỉnh lại tư thế của mình để xem xét một cách nghiêm túc hơn mối đe dọa tấn công của Nga sau khi Moscow tấn công Ukraine năm 2022, một nguồn tin an ninh cho biết chỉ riêng Đức sẽ phải tăng gấp bốn lần năng lực phòng không của mình.

Tại hội nghị thượng đỉnh ở Vilnius năm ngoái, các nhà lãnh đạo NATO đã nhất trí về các kế hoạch phòng thủ lớn đầu tiên của liên minh trong hơn ba thập kỉ, và các quan chức đã nỗ lực chuyển các kế hoạch trên giấy này thành các yêu cầu quân sự cụ thể.

Các nhà lãnh đạo NATO dự kiến sẽ nhận được thông tin cập nhật về kế hoạch tại Washington, Mỹ trong tuần này, trong hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm 75 năm thành lập liên minh.

Khi được yêu cầu bình luận, một quan chức NATO cho biết các nhà hoạch định quân sự của liên minh đã xác định “các yêu cầu chi tiết về quân đội và vũ khí cần thiết để bảo vệ liên minh”.

leftcenterrightdel
 Phần Lan tham gia lực lượng phòng thủ tập thể của NATO. Ảnh: AP.

“Phòng không và phòng thủ tên lửa, vũ khí tầm xa, hậu cần cũng như đội hình cơ động trên bộ quy mô lớn là những ưu tiên hàng đầu của chúng tôi,” quan chức này nói thêm.

“NATO có thể sẽ đặt ra các mục tiêu năng lực đòi hỏi khắt khe hơn cho các đồng minh, khi chúng tôi phát triển lực lượng có thể thực hiện các kế hoạch của mình và đáp ứng các mối đe dọa mà chúng tôi phải đối mặt. Chúng tôi tin tưởng rằng khả năng răn đe của chúng tôi đang và sẽ vẫn mạnh.”, nguồn tin cho biết.

Bộ Quốc phòng Đức từ chối bình luận về các kế hoạch tương lai của NATO vì chúng được giữ bí mật. Họ cho biết tất cả các đồng minh được kêu gọi phối hợp với NATO về các yêu cầu về năng lực và những nỗ lực này sẽ kéo dài sang năm tới.

Chưa rõ các đồng minh NATO có thể lấy thêm nhân sự từ đâu để hình thành 35 - 50 lữ đoàn. Quân đội có thể được chuyển từ các bộ phận khác của lực lượng vũ trang, có thể tuyển thêm binh sĩ hoặc các thành viên NATO có thể lựa chọn kết hợp cả hai phương pháp.

Phòng không là một bất cập lớn khác mà các nhà hoạch định quân sự của NATO đã xác định, vì cuộc chiến ở Ukraine đã chứng minh tầm quan trọng của các hệ thống này trong việc bảo vệ cơ sở hạ tầng quân sự và dân sự quan trọng.

Những hệ thống như vậy sẽ đặc biệt quan trọng đối với Đức với tư cách là một trung tâm hậu cần lớn và là nơi tập hợp trong bất kì cuộc xung đột tiềm ẩn nào với Nga.

leftcenterrightdel
 Binh sĩ Anh ở Estonia tham gia cuộc tập trận quân sự của NATO. Nguồn: NATO.

Đức có 36 đơn vị phòng không Patriot khi nước này là quốc gia tiền tuyến của NATO trong Chiến tranh Lạnh.

Hiện lực lượng Đức còn 9 hệ thống tên lửa đất đối không Patriot, sau khi tặng 3 cho Ukraine. Berlin đã bắt đầu đặt hàng Patriot cùng các hệ thống phòng không khác để tăng cường dự trữ.

Các hệ thống phòng không trên mặt đất như Patriot của Raytheon được chế tạo để đánh chặn tên lửa đang bay tới.

Sau Chiến tranh Lạnh, nhiều đồng minh NATO đã giảm số lượng các đơn vị phòng không để phản ánh đánh giá rằng trong tương lai họ sẽ chỉ phải đối phó với mối đe dọa tên lửa hạn chế đến từ các quốc gia như Iran.

Nhận thức này đã thay đổi đáng kể sau khi xảy ra cuộc chiến Ukraine, khiến các đồng minh NATO phải gấp rút tăng dự trữ đạn dược và giải quyết tình trạng thiếu hụt hệ thống phòng không.

Thỏa thuận về các kế hoạch phòng thủ lớn đầu tiên kể từ Chiến tranh Lạnh, được NATO mệnh danh là “các kế hoạch khu vực”, đánh dấu một sự thay đổi cơ bản đối với liên minh quân sự phương Tây, vốn nhận thấy không cần thiết phải vạch ra các kế hoạch phòng thủ quy mô lớn mới trong nhiều thập kỉ vì họ đã cho rằng nước Nga hậu Xô Viết không còn là mối đe dọa hiện hữu nữa.

Văn Phong/Reuters