Trong cuộc phóng vấn với tờ Repubblica của Ý được đăng tải ngày 9/5, Tổng thư ký Liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương (NATO), Jens Stoltenberg, cho biết, cuộc chiến ở Ukraine phải được ngăn chặn. Tuy vậy NATO không có ý định can dự trực tiếp vào cuộc xung đột ở Ukraine, liên minh này sẽ không gửi quân tới.

“NATO không có ý định trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột.”, Tổng thư ký NATO nhấn mạnh.

Theo ông Stoltenberg, NATO có hai sứ mệnh chính: hỗ trợ Kyiv và ngăn chặn xung đột lan ra ngoài Ukraine.

“Tổng thống Putin không tin rằng chúng tôi sẽ giúp đỡ Kyiv nhiều đến vậy, nhưng đồng thời chúng tôi cũng nói rõ rằng, chúng tôi sẽ không gửi quân tới Ukraine. Ukraine không yêu cầu điều này mà đang yêu cầu chúng tôi hỗ trợ đạn dược và vũ khí..”, ông Stoltenberg nói, cho biết, khi ông đến thăm Ukraine vào tuần trước, Kyiv không yêu cầu binh sĩ NATO tham chiến mà yêu cầu được viện trợ nhiều hơn.

Ngày 29/4, nói với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong chuyến thăm không báo trước tới Kyiv, ông Stoltenberg thừa nhận, các thành viên liên minh đã không thực hiện đúng cam kết về viện trợ quân sự trong những tháng gần đây.

leftcenterrightdel
 Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và Thủ tướng Ý Giorgia Meloni trong cuộc gặp tại Roma, ngày 8/5. Nguồn: @jensstoltenberg.

“Việc thiếu đạn dược của Ukraine đã tạo điều kiện cho quân Nga tiến bước trên chiến tuyến. Việc thiếu phòng không đã khiến nhiều tên lửa Nga có thể bắn trúng mục tiêu hơn...”, ông Stoltenberg cho rằng, tình hình sẽ khác.

Liên quan vấn đề gửi quân tới Ukraine, ngày 26/2, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói “không loại trừ” việc đưa binh sĩ phương Tây tới Ukraine trong tương lai, sau khi vấn đề này được đem ra thảo luận tại một cuộc họp của các nhà lãnh đạo châu Âu ở Paris về hỗ trợ Ukraine.

“Ngày hôm nay không có đồng thuận về việc đưa binh sĩ tới thực địa một cách chính thức, nhưng chúng tôi không thể loại trừ bất cứ điều gì.”, ông Macron nói với truyền thông trong một cuộc họp báo sau hội nghị.

Nhà lãnh đạo Pháp cho biết, hội nghị hỗ trợ cho Ukraine quy tụ đại diện của 27 nước thành viên Liên minh châu Âu, trong đó có 21 nguyên thủ quốc gia và đại diện chính phủ; nhấn mạnh, họ sẽ làm mọi điều cần thiết để Nga không thể thắng trong cuộc chiến.

leftcenterrightdel
 Lực lượng Pháp trong thành phần NATO tại Căn cứ quân sự Mihail Kogalniceanu ở Constanta, Romania, ngày 13/4/2022. Ảnh: Andrei Pungovschi / Bloomberg/Getty.

Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí The Economist được công bố hôm 2/5, Tổng thống Pháp nói, sẽ là sai lầm nếu loại trừ bất kỳ hành động cụ thể nào nhằm đáp trả việc Nga xâm chiếm Ukraine, đồng thời cho rằng làm như vậy sẽ làm suy yếu khả năng răn đe Nga.

Ông Macron một lần nữa nhắc lại, ông không loại trừ bất cứ điều gì khi trả lời câu hỏi của The Economist, liệu ông có giữ nguyên tuyên bố hồi đầu năm nay (về khả năng đưa quân đội tới Ukraine) hay không.

Đáp trả những tuyên bố của các nhà lãnh đạo Châu Âu về khả năng triển khai quân tới Ukraine, hôm 6/5, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, Tổng thống Vladimir Putin chỉ thị cho Bộ Tổng tham mưu chuẩn bị cho cuộc tập trận sử dụng vũ khí hạt nhân phi chiến lược.

Thông cáo báo chí chính thức của Bộ Quốc phòng Nga nói, các đơn vị tên lửa của Quân khu phía Nam cũng như hàng không và hải quân sẽ tham gia cuộc tập trận.

Truyền thông Nga nhấn mạnh, tín hiệu từ lãnh đạo nước này gửi đến NATO là rất rõ ràng: Nga cảnh báo hậu quả nếu bất kỳ bên nào can thiệp vào cuộc chiến ở Ukraine.

Văn Phong/RIA Novosti, Repubblica