Cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos và Tập đoàn tên lửa vũ trụ Energia đã ký hợp đồng nhà nước trị giá gần 2,69 tỉ rúp (khoảng 41 triệu đô la), về việc lên ý tưởng thiết kế một Trạm dịch vụ quĩ đạo quốc gia trong tương lai, theo tài liệu đăng tải trên trang web Chính phủ.

Tài liệu nói, tổng thầu sẽ đảm nhận nhiệm vụ nghiên cứu và phát triển để tạo ra tổ hợp không gian của Trạm quĩ đạo quốc gia.

Tiến độ hợp đồng yêu cầu thời điểm hoàn thành vào ngày 31/3/2024.

leftcenterrightdel
Mô hình cấu trúc ban đầu Trạm quĩ đạo tương lai ROSS của Nga. Nguồn: aerotime

Theo Energia, việc thiết kế ý tưởng của Trạm quĩ đạo tương lai đang được tiến hành sau khi hợp đồng với Roscosmos được kí vào tháng 4. Nhiệm vụ gồm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn đầu dự kiến phân tích các kịch bản triển khai và độ nghiêng của quĩ đạo nhắm tới, bao gồm cả kịch bản loại bỏ các mô đun của ISS- phân đoạn của Nga. 

Các chuyên gia cũng tính toán chi phí vận chuyển trên 1 kg hàng hóa, chi phí triển khai trạm ở cấu hình ban đầu và chuyển các phương tiện không gian từ quĩ đạo của trạm lên quĩ đạo gần Mặt trăng. Giai đoạn này sẽ được hoàn thành vào tháng 6 để Hội đồng Khoa học - kỹ thuật Roscosmos đánh giá.

leftcenterrightdel
Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS gồm hàng chục mô đun và cấu trúc hợp thành. Ảnh: NASA. 

Tiếp nối, giai đoạn thứ hai sẽ kéo dài đến tháng 3/2024, dự kiến việc phác thảo khái niệm và thông số kĩ thuật của Trạm quĩ đạo dựa trên kết quả của giai đoạn đầu. 

Các chuyên gia cũng sẽ nghiên cứu các vấn đề về việc cung cấp thông tin liên lạc cho ROSS, đào tạo phi hành gia, các tùy chọn hoạt động ở chế độ có người lái và không có người lái, việc sử dụng các hệ thống robot và các vấn đề khác.

Vào tháng 4/2021, Phó Thủ tướng Nga Yury Borisov thông báo việc Moscow xây dựng một trạm vũ trụ riêng trước khi ISS, tổ hợp nghiên cứu không gian hợp tác quốc tế, nghỉ hưu. Tuy nhiên đấy chỉ là dự án có tính chất "bàn đạp" trong số nhiều dự án tham vọng của Nga, trong “cuộc đua” của các cường quốc không gian.

leftcenterrightdel
Mô đun Zarya (Bình minh), cấu trúc đầu tiên của ISS được phóng lên lên quỹ đạo vào ngày 20/11/1998. Nguồn: Wikimedia. 

Energia  được giao nhiệm vụ chế tạo mô đun cơ bản đầu tiên cho Trạm quĩ đạo mới và sẽ sẵn sàng phóng vào năm 2025. Mô đun mới sẽ dựa trên mô đun nghiên cứu và cung cấp năng lượng đang phát triển, vốn được dự định phóng lên ISS vào năm 2024.

Trạm ISS với cấu trúc đầu tiên Zarya (Bình minh), được  phóng tháng 11/1998. Ban đầu, tuổi thọ của cấu trúc dự kiến chỉ là 15 năm so với tuổi của ISS hiện nay là 24 năm.

Tổ hợp nghiên cứu không gian đa quốc gia ISS với sự tham gia của nhiều cơ quan vũ trụ là Mỹ (NASA), châu Âu (ESA), Nhật Bản (JAXA), Canada (CSA) và Nga (Roscosmos), gồm hàng chục mô đun và bộ phận cấu thành được lắp ghép với nhau tạo thành một cấu trúc dài 73m, rộng 109m, tổng khối lượng hàng trăm tấn, bay trên quỹ đạo ở độ cao hơn 420km, tốc độ  27.600km/h.

leftcenterrightdel
Ngày 12/5/2021, Cơ quan Vũ trụ Mỹ NASA phát hiện cánh tay robot Canadianarm2 bị thủng do va chạm với rác không gian. Ảnh: NASA. 

Trên ISS, phân đoạn của Nga chiếm khoảng 1/4, chịu trách nhiệm điều hướng và kiểm soát toàn bộ trạm vũ trụ.

Sau hơn hai thập kỉ bền bỉ hoạt động, dưới tác động của bức xạ vũ trụ, rác không gian,... cũng như sự mỏi và lão hóa của vật liệu, ISS đang có những dấu hiệu bất ổn, bao gồm các vết nứt gần đây và rò rỉ không khí, hay rác không gian đâm thủng cánh tay robot của trạm,..

Năm 2020, Cơ quan Vũ trụ Mỹ NASA thông báo rằng, từ góc độ kĩ thuật, ISS sẽ hoạt động cho đến năm 2028. Trong một thông báo vào rạng sáng ngày 1/1/2022, quản trị viên NASA Bill Nelson cho biết, Nhà trắng đã đồng ý kéo dài hoạt động của ISS đến năm 2030.

Trước đó, Giám đốc điều hành Energia, Vladimir Solovyev, cảnh báo,  ISS chắc chắn sẽ gặp những sự cố đối với nhiều hệ thống của nó sau năm 2024.

Văn Phong (theo TASS, Aerotime)