Nhà trắng đã đồng ý kéo dài hoạt động của Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) đến năm 2030, quản trị viên NASA Bill Nelson cho biết trong một thông báo vào rạng sáng 1/1.
“Trạm Vũ trụ Quốc tế là một ngọn hải đăng của sự hợp tác khoa học quốc tế và trong hơn 20 năm đã mang lại những phát triển khoa học, giáo dục và công nghệ to lớn mang lại lợi ích cho nhân loại. Tôi rất vui vì chính quyền Biden-Harris đã cam kết kéo dài hoạt động của Trạm đến năm 2030.”, ông Nelson viết, nhấn mạnh, quyết định sẽ thúc đẩy nghiên cứu, phát triển công nghệ cần thiết để đưa người phụ nữ đầu tiên và người da màu đầu tiên lên Mặt trăng theo chương trình Artemis của NASA, mở đường cho việc đưa con người lên sao Hỏa.
|
|
Mô đun Zarya (Bình minh), cấu trúc đầu tiên của ISS được phóng lên lên quỹ đạo vào ngày 20/11/1998. Nguồn: Wikimedia. |
ISS là tổ hợp nghiên cứu không gian hợp tác quốc tế với sự tham gia của nhiều cơ quan vũ trụ, gồm Mỹ (NASA), châu Âu (ESA), Nhật Bản (JAXA), Canada (CSA) và Nga (Roscosmos).
Trong hai thập kỷ qua, con người đã duy trì sự hiện diện liên tục trên quỹ đạo quanh Trái đất để thử nghiệm công nghệ, tiến hành nghiên cứu khoa học và phát triển các công nghệ hướng tới những khám phá vũ trụ xa hơn.
Sau quyết định của Nhà Trắng, NASA cho biết họ sẽ làm việc với các cơ quan vũ trụ đối tác của trạm để cho phép tiếp tục duy trì các nghiên cứu đến cuối thập kỷ.
Một số đối tác đã bày tỏ hoan nghênh với quyết định của Mỹ. Tuy nhiên, các quan chức Nga đã tỏ ra nghi ngờ về khả năng kỹ thuật của ISS trong việc duy trì vận hành đến cuối thập kỷ, do các vấn đề với phân đoạn của Nga, cũng như việc nước này mong muốn phát triển một trạm vũ trụ riêng.
|
|
Trạm Vũ trụ Quốc tế chụp từ Tàu con thoi Atlantis vào tháng 10/2002. Nguồn: Wikimedia. |
“Thỏa thuận hiện tại là chúng tôi sẽ tiếp tục vận hành Trạm cho đến năm 2024. Tất nhiên, nó có thể tiếp tục bay sau năm 2024, nhưng mỗi năm tiếp theo thách thức sẽ lớn hơn bởi các lỗi và trục trặc kỹ thuật sẽ ngày càng gia tăng.”, ông Dmitry Rogozin, người đứng đầu Cơ quan Vũ trụ Nga Roscosmos, cho biết trong một cuộc họp báo tại Đại hội Du hành vũ trụ Quốc tế ở Dubai vào ngày 25/10/2021.
ISS được xem xét để nghỉ hưu sớm nhất đến năm 2024 và những cân nhắc duy trì đến năm 2028. Gần đây, cùng với việc khắc phục các sự cố và những vết nứt gây rò rỉ không khí trên Trạm, các cơ quan vũ trụ thành viên đã tiến hành đánh giá tổng thể tình trạng của ISS, nhằm ấn định thời điểm thích hợp cho tổ hợp không gian này nghỉ hưu.
|
I |
ISS bay trên quỹ đạo phía trên Trái đất hơn 400km. Ảnh: NASA. |
Hiện nhiều quốc gia và các công ty công nghệ không gian tư nhân trên thế giới đang ráo riết xây dựng các dự án trạm vũ trụ thương mại của riêng mình.
Ngày 2/12, Cơ quan Vũ trụ Mỹ NASA thông báo đã ký thỏa thuận trị giá 415 triệu đô la với 3 công ty công nghệ vũ trụ hàng đầu khu vực tư nhân là Blue Origin, Nanoracks và Northrop Grumman, để thiết kế trạm vũ trụ mới và các nền tảng thương mại không gian trên quỹ đạo Trái đất tầm thấp (LEO), thay thế cho ISS sẽ được cho nghỉ hưu vào cuối thập kỷ.
|
|
Trạm Vũ trụ quốc tế ISS gồm hàng chục mô đun và cấu trúc hợp thành. Ảnh: NASA. |
Khối cấu trúc đầu tiên của ISS được phóng cuối tháng 11/1998. Hai năm sau, vào đầu tháng 11/2000, phi hành đoàn đầu tiên có mặt trên ISS và kể từ đó, con người duy trì sự hiện diện liên tục trên trạm cho đến nay.
ISS gồm hàng chục mô đun và bộ phận cấu thành được lắp ghép với nhau tạo thành một cấu trúc dài 73m, rộng 109m, tổng khối lượng hàng trăm tấn, bay trên quỹ đạo ở độ cao hơn 420km, tốc độ 27.600km/h, bay quanh Trái đất mỗi 92,89 phút.