Trong một tuyên bố chung hôm 5/4, các nhà lãnh đạo liên minh an ninh ba bên (AUKUS) Mỹ, Anh, Úc vốn được hình thành tháng 9 năm ngoái cho biết, bắt đầu hợp tác ba bên mới về siêu âm và phản siêu âm cũng như khả năng tác chiến điện tử.

Tuyên bố nhấn mạnh, sáng kiến này bổ sung vào những nỗ lực hiện có của liên minh nhằm tăng cường hợp tác về các khả năng không gian mạng, trí tuệ nhân tạo, công nghệ lượng tử,..; đồng thời có ý định mở rộng hợp tác đối với các đồng minh thân thiết khác.

Mỹ và Úc đã có một chương trình vũ khí siêu thanh được gọi là SCIFiRE. Trong khi bản thân Mỹ đang đẩy nhanh tốc độ phát triển tên lửa siêu thanh, trong bối cảnh những tiến bộ về lĩnh vực này của đối thủ, cũng như khi Nga tiến hành hoạt động quân sự tại Ukraine.

Bày tỏ trước thỏa thuận trên, cùng ngày, Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Zhang Jun cảnh báo, động thái có thể gây ra một cuộc khủng hoảng ở các khu vực khác trên thế giới tương tự như ở Ukraine.

leftcenterrightdel
Tên lửa siêu thanh AGM-183A gắn dưới cánh một chiếc B-52. Ảnh: Không quân Mỹ.  

"Bất cứ ai không muốn chứng kiến cuộc khủng hoảng Ukraine nên hạn chế những bước đi có thể khiến các khu vực khác trên thế giới rơi vào cuộc khủng hoảng như vậy. Người Trung Quốc có câu, điều bạn không thích thì đừng áp đặt cho người khác.", ông Zhang nói.

Ngày 6/4, chuyên gia tại Trung tâm An ninh Quốc tế- Viện Hàn lâm Khoa học Nga (IMEMO RAS), Dmitry Stefanovich, cho rằng, quyết định của liên minh AUKUS có thể dẫn đến sự thay đổi kiến trúc an ninh không chỉ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, mà còn gây ra hậu quả toàn cầu.

Theo ông Stefanovich, những nỗ lực như vậy khó có thể dẫn đến tăng cường mạnh mẽ an ninh quốc tế. "Trên thực tế, chúng ta đang quan sát các quá trình tạo ra những thay đổi cơ bản trong toàn bộ kiến trúc an ninh, chủ yếu ở khu vực Thái Bình Dương, nhưng với những hậu quả rõ ràng trên quy mô toàn cầu.", chuyên gia Stefanovich nhận định.

Văn Phong/Reuters, Sputnik