Hôm 29/10, trong cuộc gặp với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Rome, Ý, Tổng thống Joe Biden thừa nhận Mỹ đã "vụng về" trong việc loại bỏ Pháp khỏi thỏa thuận tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân với Úc.

Đây là cuộc gặp đầu tiên của các nhà lãnh đạo Mỹ và Pháp khi họ tìm cách hàn gắn quan hệ sau một căng thẳng ngoại giao về hiệp ước an ninh ba bên AUKUS giữa Mỹ, Anh và Australia đạt được hồi tháng 9.

Hai nhà lãnh đạo đã chào đón nhau nồng nhiệt và dành cho nhau những lời nói, cử chỉ, theo mô tả của Reuters là ấm áp và một ngôn ngữ cơ thể gần gũi với những cái vỗ vai thân thiện.

leftcenterrightdel
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Rome, Ý ngày 29 tháng 10 năm 2021. Ảnh: Reuters / Kevin Lamarque. 

Ông Macron nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của cuộc gặp như là chìa khóa để "nhìn về tương lai" khi hai nước đối mặt với những thách thức mới. 

Ông Biden không chính thức xin lỗi Macron, nhưng thừa nhận Mỹ không nên khiến đồng minh lâu đời nhất của mình bất ngờ với thỏa thuận với Úc.

“Những gì chúng tôi đã làm thật vụng về,” ông Biden nói, giải thích, ông đã tin rằng, Pháp đã được thông báo từ rất lâu trước đó về khả năng Australia hủy hợp đồng tàu ngầm.

Ông Biden nhấn mạnh, Pháp là đối tác và đồng minh cực kỳ quan trọng và không có vấn đề quốc tế nào mà 2 bên không thể hợp tác.

leftcenterrightdel
Hai nhà lãnh đạo Mỹ, Pháp dành cho nhau những cử chỉ thân thiện. Ảnh: AFP. 

Nói với báo chí sau đó, ông Macron bày tỏ cuộc gặp với ông Biden rất hiệu quả với những cam kết mạnh mẽ của Mỹ, nhưng điều gì diễn ra tiếp theo mới là điều quan trọng.

Hôm 16/9, Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết nước này sẽ hủy bỏ hợp đồng trị giá 40 tỉ USD đã ký năm 2016 với Tập đoàn Hải quân Naval Group của Pháp nhằm xây dựng một hạm đội 12 tàu ngầm thông thường, thay vào đó sẽ đóng ít nhất 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân với công nghệ của Mỹ và Anh, sau khi 3 quốc gia đạt được thỏa thuận hình thành quan hệ đối tác quân sự ba bên, một liên minh có tên AUKUS, được công bố hôm 15/9. Chuỗi sự kiện khiến Pháp tức giận, lập tức triệu hồi đại sứ tại hai đồng minh Mỹ, Úc.

Hôm 17/9, ông Morrison thừa nhận sự rút lui trong thương vụ tàu ngầm gây tổn hại quan hệ Úc-Pháp, tuy nhiên khẳng định, ông đã trao đổi vấn đề với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vào tháng 6 về khả năng Australia sẽ phải đưa ra quyết định khác trong thỏa thuận tàu ngầm với Paris, do Canberra đã điều chỉnh chiến lược của mình.

Văn Phong/Anja, Reuters, DS