Trong cuộc họp với chính phủ hôm 24/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ thị áp dụng, trong thời gian sớm nhất, thanh toán tiền bán khí đốt chỉ bằng đồng rúp cho các quốc gia đã được Moscow đưa vào danh sách “không thân thiện” với nước này.

Tổng thống Putin giải thích Nga có kế hoạch từ bỏ tất cả các loại tiền tệ bị tổn thương trong các khoản thanh toán như vậy.

Nga cũng sẽ giữ nguyên giá quy định trong hợp đồng và tiếp tục cung cấp khí đốt cho các quốc gia khác theo khối lượng và giá cả quy định trong các hợp đồng đã ký kết trước đó.

"Trong vài tuần qua, như các vị đã biết, một số quốc gia phương Tây đã đưa ra quyết định bất hợp pháp về cái gọi là đóng băng tài sản của Nga. Các nước phương Tây thực sự đã vạch ra ranh giới về độ tin cậy đối với đồng tiền của họ. Như vậy, về nguyên tắc, cả Mỹ lẫn Liên minh Châu Âu đều đã tuyên bố cuộc vỡ nợ thực sự về nghĩa vụ của họ đối với Nga. Và bây giờ tất cả mọi người trên thế giới đều biết rằng, các khoản nợ bằng đô la và Euro có thể không được thực hiện.", ông Putin nói.

Bình luận về quyết định của chính quyền Nga, Giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh tế - Xã hội Trường Đại học Tài chính trực thuộc Chính phủ Nga, chuyên gia kinh tế Aleksey Zubets, phân tích, với cơ chế này, các nước mua khí đốt của Nga sẽ phải mua đồng rúp trên sàn giao dịch chứng khoán, dẫn đến nhu cầu đối với đồng rúp từ bên ngoài gia tăng, do đó hệ thống tiền tệ của Nga được hỗ trợ.

leftcenterrightdel
Các quốc gia châu Âu nhập khẩu phần lớn khí đốt từ Nga. Ảnh: Shuterstock / The Conversation / Grigorii Pisotsckii. 

"Nếu chúng tôi bán khí đốt, dầu.. bằng đồng rúp, thì sẽ loại bỏ nguy cơ bị bắt giữ, chẳng hạn như ngày mai sẽ không có ai bắt giữ các tài khoản của Gazprom và số tiền này sẽ được bảo vệ. Nếu các nhà nhập khẩu mua đồng rúp, họ cần bán ngoại tệ. Nghĩa là, trước khi trả bằng đồng rúp, họ phải mua những đồng rúp này trên sàn giao dịch chứng khoán. Bằng cách này, trong mọi trường hợp, chúng tôi sẽ nhận được tiền tệ, nhưng không phải trực tiếp từ Gazprom mà từ việc bán trên thị trường ngoại hối của Nga. Về nguyên tắc, biện pháp như vậy có thể dẫn đến sự gia tăng nguồn cung ngoại tệ trên sàn giao dịch tiền tệ của Nga. Việc chuyển đổi thanh toán bằng đồng rúp làm cho nhu cầu đồng rúp từ bên ngoài gia tăng, do đó hệ thống tiền tệ của chúng tôi được hỗ trợ", ông Alexei Zubets nói.

Theo quan điểm của chuyên gia Zubets, Nga đang chuyển sang phản công trước các biện pháp trừng phạt của phương Tây.

“Cho dù phương Tây muốn thực hiện các hoạt động như vậy hay muốn mua khí đốt ở một nơi khác, chúng ta sẽ chờ xem. Trong mọi trường hợp, đây là một bước đi nhằm gây áp lực lên châu Âu, lên phương Tây, vì cần phải phát động đòn phản công trước các biện pháp trừng phạt mà họ đã áp đặt. Tuy nhiên, áp lực này không phải là nghiêm trọng. Rất có thể câu chuyện này sẽ dẫn đến việc tăng giá xăng dầu trên thị trường châu Âu.”, chuyên gia kinh tế Nga nhận định.

Để đối phó với chiến dịch quân sự của Nga nhằm phi quân sự hóa và phi quân sự hóa Ukraine, các nước phương Tây đã công bố các biện pháp trừng phạt quy mô lớn đối với Nga, chủ yếu trong lĩnh vực ngân hàng và cung cấp các sản phẩm công nghệ cao, bao gồm chặn kết nối của một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.

Moscow gọi những biện pháp này là một cuộc chiến kinh tế, những biện pháp tương tự như vậy chưa từng thấy trước đây. Các nhà chức trách Nga nhấn mạnh sự sẵn sàng đối với sự phát triển của các sự kiện như vậy.

Văn Phong/Sputnik