Hôm 25/2, Chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện Nga) Valentina Matvienko cho biết, Moscow đã chuẩn bị các biện pháp trừng phạt trả đũa nhằm vào các nước phương Tây.

"Các biện pháp trừng phạt trả đũa đã chuẩn bị sẵn sàng... Chúng tôi nhận thức rõ những điểm yếu của phương Tây.”, bà Matvienko nói với báo chí.

Trong khi người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói, quá trình xem xét trả đũa các lệnh trừng phạt của phương Tây, Nga sẽ xuất phát từ lợi ích của mình và sẽ áp dụng nguyên tắc có đi có lại.

Tuyên bố của Nga được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố một loạt các biện pháp trừng phạt mới chống lại Nga, mô tả chúng là những biện pháp “đắt giá”, tác động trước mắt và lâu dài đối với nền kinh tế Nga.

leftcenterrightdel
Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Valentina Matvienko. Ảnh: RIA.  

Ông Biden nói, các lệnh trừng phạt nhằm mục đích gây thiệt hại cho lĩnh vực công nghệ của Nga, bao gồm cắt giảm hơn một nửa nhập khẩu công nghệ cũng như các ngành công nghiệp vũ trụ, hàng không và quân sự. Tuy vậy việc ngắt Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT như đề xuất của một số đồng minh châu Âu, đã không được đưa ra.

Trong một diễn biến liên quan, Anh đã công bố bổ sung 11 danh sách trừng phạt mới và áp dụng các biện pháp hạn chế kinh tế đối với hơn 100 cá nhân, thực thể, bao gồm hãng hàng không Nga Aeroflot, ngân hàng VTB và công ty nhà nước Rostec,.. Tài sản của các tổ chức này tại Anh sẽ bị đóng băng. 

Ngày 25/2, sau cuộc họp khẩn của Hội đồng châu Âu, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Ursula von der Leyen đã công bố một loạt biện pháp trừng phạt chống Nga.

leftcenterrightdel
Sớm ngày 25/2, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen công bố một số biện pháp trừng phạt chống Nga. Ảnh: POOL / AFP / Getty. 

“Thứ nhất, gói này bao gồm các biện pháp trừng phạt tài chính đối với 70% khu vực ngân hàng Nga và các công ty nhà nước chủ chốt, bao gồm cả các công ty quốc phòng. Thứ hai, chúng tôi tập trung vào năng lượng là lĩnh vực kinh tế trọng yếu của Nga. Lệnh cấm xuất khẩu của chúng tôi sẽ ảnh hưởng đến ngành dầu mỏ, khiến Nga không thể hiện đại hóa các nhà máy lọc dầu. Thứ ba, chúng tôi cấm bán máy bay và thiết bị cho các hãng hàng không Nga.”,  bà Von der Leyen cho biết.

Thứ tư, Liên minh châu Âu hạn chế Nga tiếp cận các công nghệ quan trọng như chất bán dẫn hoặc phần mềm tiên tiến. Biện pháp thứ năm là hạn chế về thị thực. Theo bà Von der Leyen, các nhà ngoại giao Nga và các công dân có liên quan với họ, cũng như các doanh nhân, sẽ không còn được ưu tiên (cấp thị thực) vào Liên minh châu Âu.

Diễn biến này diễn ra sau khi Nga khởi động một chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào sáng 24/2, được nói để đáp lại đề nghị của hai nước cộng hòa ly khai tự xưng Donetsk và Lugansk ở Donbas, đông Ukraine. Ông Putin nhấn mạnh Nga không còn lựa chọn nào khác sau khi Donbass bị pháo kích trong hơn một tuần và các thỏa thuận hòa bình Minsk 2015 bị hủy bỏ.

Văn Phong/Sputnik