Tàu hộ vệ tối tân mới nhất thuộc Đề án 20386 Mercury sẽ là con tàu đầu tiên của Nga được chế tạo hoàn toàn theo khái niệm tàng hình, truyền thông Nga dẫn các nguồn tin trong ngành đóng tàu cho biết.

Công nghệ tàng hình cho tàu, bao gồm kĩ thuật lớp phủ ngoài hấp thụ sóng vô tuyến đã được Nga áp dụng từ lâu, tuy nhiên, khái niệm về một con tàu thực sự khó bị phát hiện vẫn chưa hoàn chỉnh.

"Tàu hộ vệ Mercury sẽ là con tàu đầu tiên của Hải quân có lớp phủ hấp thụ sóng vô tuyến trên toàn bộ diện tích bề mặt bên ngoài. Nhờ đó, một con tàu dài cả trăm mét khi đó sẽ phản xạ tín hiệu vô tuyến chỉ tương đương một chiếc thuyền nhỏ.", nguồn tin lưu ý.

leftcenterrightdel
Mô hình tàu hộ vệ tối tân mới nhất thuộc Đề án 20386 Mercury của Nga. Ảnh: Wikipedia.

Ngoài lớp phủ tàng hình, cấu trúc bên ngoài của tàu hộ vệ sẽ được thiết kế hạn chế các phần nhô ra cũng như các khe hở, đồng thời sử dụng vật liệu composite và các loại sơn đặc biệt.

Theo nguồn tin, hiện nhà sản xuất đã chế tạo xong phần thân tàu, đang thực hiện các cấu trúc bên ngoài; đồng thời lên kế hoạch tiến hành đợt thử nghiệm đặc biệt để đánh giá hiệu quả công nghệ tàng hình mới của tàu Mercury.

leftcenterrightdel
Ngoài sử dụng vận liệu composite và lớp phủ hấp thụ sóng vô tuyến toàn bộ bề mặt tiếp xúc bên ngoài, thân tàu được thiết kế hạn chế mức độ gồ ghề cũng như các khe hở. Ảnh: Globalsecurity. 

Tàu hộ vệ thuộc Đề án 20386 Mercury là tàu thế hệ mới dựa trên nền tảng đề án 20385, trong đó áp dụng nguyên tắc trang bị vũ khí theo dạng module và khả năng triển khai cả máy bay không người lái.

Tàu dẫn đầu của đề án mang tên Derzky được khởi công cuối tháng 10/2016, dự kiến nó sẽ được chuyển giao cho hạm đội vào năm 2022.

Tàu dài 109m, rộng 13m, tốc độ 56km/h, lượng choán nước 3.200 tấn, phạm vi hoạt động 9.300km.

leftcenterrightdel
Ngoài tên lửa siêu thanh Zircon, Mercury sẽ là tàu đầu tiên trong hạm đội Nga có trực thăng Ka-27 với thủy lôi trên boong. Ảnh: Globalsecurity. 

Lớp tàu hộ vệ này có khả năng tấn công tàu nổi của đối phương bằng tên lửa hành trình, truy tìm và tiêu diệt tàu ngầm, bảo vệ tàu dân sự và quân sự trước các cuộc không kích bằng tên lửa phòng không và bắn pháo yểm trợ cho quân đổ bộ.

Trong khi theo globalsecurity, tàu Đề án 20386 Mercury có độ phức tạp kĩ thuật cao nhất và chi phí đóng đắt gần gấp đôi tàu hộ tống Đề án 20380. Các tàu hộ tống mới sẽ nhanh hơn ít nhất 15% so với các tàu tiền nhiệm nhờ vào thân tàu được định hình mới, cho phép con tàu vượt qua sóng thuận lợi hơn và tăng tốc độ của tàu thông qua việc sử dụng vật liệu composite. Đáng lưu ý, đây là một trong những con tàu đầu tiên của Nga được thiết kế và chế tạo để mang tên lửa siêu thanh Zircon mới nhất.

Huy Anh/Sputnik, Globalsecurity