Ngày 17/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani kêu gọi Mỹ tránh các “hành động khiêu khích”, phản tác dụng và gây bất ổn ở Tây Á, đồng thời nhấn mạnh, Tehran bảo lưu quyền áp dụng các biện pháp đáp trả chống lại bất kỳ hành động thù địch nào dựa trên luật pháp và chuẩn mực quốc tế.
Ông Kanaani đưa ra tuyên bố trong cuộc họp báo hàng tuần vào ngày 17/7, sau khi một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ xác nhận, Washington đang triển khai thêm các máy bay chiến đấu xung quanh eo biển chiến lược Hormuz để bảo vệ các tàu hàng.
Người phát ngôn Iran nhấn mạnh vai trò của chính phủ Mỹ đối với vấn đề an ninh và ổn định khu vực chưa bao giờ là hòa bình và mang tính xây dựng; cảnh báo, Tehran sẽ đặc biệt chú ý đến bất kỳ động thái khiêu khích và bất hợp pháp nào, đặc biệt diễn ra gần biên giới đất nước.
|
|
Hình ảnh được cho các tàu tấn công nhanh của Hải quan Iran bao vây tàu dầu Niovi. Ảnh cắt từ video, nguồn: NAVCENT/USnavy. |
Iran cho rằng Mỹ là nguồn gốc chính gây mất an ninh ở Tây Á và Washington vẫn phải chịu trách nhiệm về sự bất ổn trong khu vực, chừng nào các chính sách sai lầm và gây khủng hoảng như vậy không được điều chỉnh.
Tehran từng nhiều lần nhấn mạnh, trách nhiệm đảm bảo an ninh và ổn định của Vịnh Ba Tư thuộc về các quốc gia trong khu vực mà không cần đến lực lượng hải quân nước ngoài.
“Iran bảo lưu quyền thực hiện các biện pháp ngăn chặn thích hợp theo luật pháp, quy tắc và quy định quốc tế dựa trên khả năng của các lực lượng vũ trang trong việc bảo vệ an ninh biên giới, cũng như an ninh hàng hải và hàng không ở khu vực Vịnh Ba Tư.”, Nhà ngoại giao Iran nhấn mạnh, tuyên bố, Iran bác bỏ cáo buộc của Mỹ về việc nước này quấy rối tàu hàng ở eo biển Hormuz, cho đó là hoàn toàn bịa đặt.
Các quan chức quân sự Iran cho biết, các lực lượng vũ trang nước này đã mang lại sự ổn định và an toàn cho Vịnh Ba Tư và Biển Oman, trong đó đã thành công trong việc hộ tống và bảo vệ gần 5.000 lượt tàu chở dầu và tàu thương mại ở vùng biển quốc tế kể từ năm 2008.
|
|
Iran tuyên bố, không bắt giữ tàu mà không có lý do. Ảnh: AFP. |
Tư lệnh Hải quân lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), Chuẩn đô đốc Alireza Tangsiri gần đây tuyên bố, đến nay Tehran đã bắt giữ 35 tàu nước ngoài do vi phạm luật hàng hải; lưu ý, Iran không bắt giữ tàu mà không có lý do.
Các quan chức Iran nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết các cuộc khủng hoảng và các vấn đề trong khu vực thông qua hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực, cho rằng, sự hiện diện của lực lượng nước ngoài là ‘lợi bất cập hại’.
Trước đó cùng ngày, Phó Thư ký báo chí Lầu Năm Góc, bà Sabrina Singh cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng nước này Lloyd Austin đã ra lệnh triển khai các máy bay chiến đấu F-35 và F-16, cũng như tàu khu trục USS Thomas Hudner đến Trung Đông để đáp trả các hoạt động của Iran ở eo biển Hormuz.
“Để đối phó với một số sự kiện đáng báo động gần đây ở Eo biển Hormuz, Bộ trưởng Quốc phòng đã ra lệnh triển khai tàu khu trục USS Thomas Hudner, các máy bay chiến đấu F-35 và F-16 đến khu vực trách nhiệm của Bộ Chỉ huy Trung tâm để bảo vệ lợi ích của Mỹ cũng như quyền tự do hàng hải trong khu vực”, bà Singh nói.
|
|
Một tàu chở dầu bị lực lượng Hải quân Iran bắt giữ tại cảng Bandar Abbas, ngày 31/10/2022. Nguồn: IRNA. |
Động thái của Mỹ diễn ra sau hai sự cố hồi đầu tháng này, trong đó các tàu Hải quân Iran được cho đã cố gắng bắt giữ các tàu hàng ở eo biển Hormuz và Vịnh Ô man.
Hải quân Mỹ đã can thiệp vào cả hai sự cố ngày 5/ 7. Trong một trường hợp, lực lượng vũ trang Iran được nói đang tiếp cận và nổ súng vào tàu chở dầu Richmond Voyager, gần khu vực lưu trú của thủy thủ đoàn.
“Chúng tôi kêu gọi Iran ngay lập tức chấm dứt các hành động gây bất ổn đe dọa dòng chảy thương mại tự do thông qua tuyến đường thủy chiến lược mà thế giới phụ thuộc vào để cung cấp hơn 1/5 nguồn cung dầu mỏ của thế giới.”, Phó Thư ký báo chí Lầu Năm Góc nhấn mạnh.
Tuần trước, một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho biết, các lực lượng nước này đang phối hợp để tiếp tục giám sát tuyến đường thủy, trong đó từ tháng 3 đã triển khai máy bay cường kích A-10, thiết kế riêng cho nhiệm vụ yểm trợ cận chiến từ trên không, bay qua eo biển Hormuz.