Hôm 23/4, lực lượng hỗ trợ nhanh bán quân sự (RSF) Sudan cho biết, sáng cùng ngày đã phối hợp cùng các lực lượng Mỹ sơ tán nhân viên Đại sứ quán Mỹ và gia đình họ rời khỏi thủ đô Khartoum, nơi đang diễn ra giao tranh khốc liệt giữa quân đội Sudan và RSF.

Tổng thống Joe Biden xác nhận thông tin. “Theo lệnh của tôi, quân đội Mỹ đã tiến hành một chiến dịch để sơ tán nhân viên ngoại giao tại Đại sứ quán khỏi Khartoum.”, ông Biden nói.

Trong tuyên bố, Tổng thống Mỹ Biden lưu ý sự hỗ trợ của Djibouti, Ethiopia và Ả Rập Xê Út trong sứ mệnh sơ tán. 

Vài giờ trước đó, RSF thông báo đã phối hợp với một phái đoàn quân sự của Washington bao gồm 6 máy bay đã sơ tán các nhà ngoại giao Mỹ và gia đình họ khỏi Sudan.

“Bộ Tư lệnh lực lượng hỗ trợ nhanh đã phối hợp với phái đoàn quân sự Mỹ gồm 6 máy bay, để sơ tán các nhà ngoại giao và gia đình họ vào sáng 23/4.”, RSF cho biết.

RSF cũng cam kết hợp tác đầy đủ với tất cả các phái bộ ngoại giao các nước, cung cấp mọi phương tiện bảo vệ cần thiết và đảm bảo họ rời khỏi Sudan an toàn.

Vài ngày trước, cả Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và  người đứng đầu RSF của Sudan, tướng Mohamed Hamdan Dagalo, đều xác nhận đã có các cuộc điện đàm xung quanh cuộc xung đột.

Theo CNN một nhóm hơn 100 nhân viên thuộc lực lượng tác chiến đặc biệt của Mỹ đã tham gia vào sứ mệnh sơ tán do Bộ Tư lệnh châu Phi chủ trì.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách Quản lý và Tài nguyên John Bass, cho biết, sau khi gần 100 người đã được sơ tán khỏi Đại sứ quán Mỹ, bao gồm một số chuyên gia ngoại giao từ các quốc gia khác, hiện không có bất kỳ nhân viên chính phủ Mỹ nào còn lại ở Khartoum, ngoại trừ một số nhân viên người địa phương.

Các nguồn tin Mỹ quen thuộc nói, các nhân viên Đại sứ quán nước này đã được trực thăng chuyển đến một địa điểm không được tiết lộ ở Ethiopia. Hoạt động sơ tán diễn ra mau lẹ trong đó các lực lượng Mỹ chỉ lưu lại Khartoum 1 giờ đồng hồ.

Ước tính có khoảng 16.000 công dân Mỹ đang ở Sudan.

leftcenterrightdel
 Nhân viên lực lượng Phòng vệ Nhật Bản lên máy bay vận tải C-130 trong sứ mệnh sơ tán công dân tại Sudan. Ảnh chụp màn hình, nguồn: Kyodo.

Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết Chính phủ sẽ tiếp tục hỗ trợ công dân nước này lên kế hoạch cho sự an toàn của chính họ ở Sudan; cũng như hối thúc ngừng bắn tại cuốc gia Bắc Phi để ngăn chặn thiệt hại và đổ máu thêm tại nước này.

Hôm 22/4, hơn 150 công dân từ các quốc gia Kuwait, Qatar, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất, Ai Cập, Tunisia, Pakistan, Ấn Độ, Bulgaria, Bangladesh, Philippines, Canada và Burkina Faso,.. đã được sơ tán an toàn đến Ả Rập Xê Út trong đợt sơ tán dân sự đầu tiên được công bố khỏi Sudan.

Hoạt động sơ tán do Hải quân Ả Rập Xê Út đảm trách bằng đường biển, từ cảng Sudan băng qua Biển Đỏ đến cảng Jeddah.

Nhiều quốc gia cho biết đang chuẩn bị sơ tán thêm hàng nghìn công dân khỏi quốc gia xung đột ở Bắc Phi, trong bối cảnh sân bay chính của Sudan vẫn đóng cửa. 

Nhật Bản đã điều động 3 máy bay quân sự, bao gồm các máy bay vận tải C-130 và C-2 đến Djibouti, quốc gia ở vùng Sừng châu Phi, cách Khartoum khoảng 1.200 km về phía đông nam, tìm cách “giải cứu” khoảng 63 công dân nước này khỏi Sudan.

Trong khi hôm 22/4, Hàn Quốc cũng đã phái một máy bay vận tải quân sự C-130J mang theo khoảng 50 nhân viên quân sự, bao gồm cả nhân viên an ninh và y tế, đến Djibouti để sơ tán công dân khỏi Sudan.

Theo báo cáo, có khoảng 29 công dân Hàn Quốc đang ở Sudan.

Các cuộc giao tranh giữa quân đội Sudan, dưới sự chỉ huy của tướng Abdel Fattah al-Burhan, và đối thủ RSF, đứng đầu là tướng Mohamed Hamdan Dagalo (thường được gọi là Hemedti), bắt đầu từ ngày 15/4, hiện vẫn diễn ra ác liệt bất chấp các lệnh ngừng bắn được hai bên thống nhất. Cả hai đều cáo buộc bên kia vi phạm lệnh ngừng bắn.

Người dân Sudan đang mắc kẹt tại các khu dân cư ở thủ đô Khartoum gần các điểm giao tranh, trong tình trạng mất điện, mất nước và thiếu lương thực.

Trong khi đó các bệnh viện cũng đang rơi vào tình cảnh thiếu thuốc men và nhân viên y tế nghiêm trọng.

Khaled Ahmed Idris- Giám đốc Bệnh viện Omdurman ở Khartoum, cho biết, bệnh viện này hiện chỉ hoạt động với 20% công suất do giao tranh khiến nhân viên y tế từ nhà của họ và từ nơi khác không thể tiếp cận nơi làm việc.

Văn Phong/Aljazeera, Kyodo, YNA