Nhật Bản đang chuẩn bị phái lực lượng Phòng vệ (SDF) để giải cứu công dân của mình sống ở Sudan, trong bối cảnh các cuộc đụng độ quân sự tiếp tục leo thang ở quốc gia châu Phi, người phát ngôn Chính phủ, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Matsuno Hirokazu cho biết hôm 19/4.

Trong một cuộc họp báo khẩn cấp tại Văn phòng Thủ tướng ở Tokyo vào ngày 19/4, ông Matsuno cho biết, không có báo cáo nào về thương tích trong số khoảng 60 công dân Nhật Bản đang sinh sống ở Sudan.

Tuy nhiên, các công dân, bao gồm cả quan chức của Đại sứ quán và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), đang ở trong tình trạng đáng lo ngại, do thiếu nước uống và thực phẩm, ông Matsuno nói.

leftcenterrightdel
 

Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi đã yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng nước này Yasukazu Hamada thực hiện các bước cần thiết để khởi động nhiệm vụ giải cứu, ông Matsuno cho biết thêm.

Giao tranh giữa lực lượng vũ trang Sudan (SAF) và lực lượng Hỗ trợ nhanh bán quân sự (RSF), bắt đầu vào sáng 15/4, đã bước sang ngày thứ 5.

Đụng độ tiếp tục diễn ra ác liệt tại các địa điểm trọng yếu ở thủ đô Khartoum, bao gồm Bộ chỉ huy quân đội, Dinh Tổng thống và sân bay Khartoum,.. và các căn cứ của RSF ở phía bắc và phía tây thủ đô.

Các nỗ lực đạt được thỏa thuận ngừng bắn trên thực địa đã sụp đổ vào cuối ngày 18/4, khi các cuộc đụng độ lại nổ ra giữa 2 lực lượng ở trung tâm Khartoum, chỉ vài giờ sau khi 2 bên đồng ý ngừng bắn trong 24 giờ, có hiệu lực vào lúc 18h ngày 18/4.

leftcenterrightdel
 Hình ảnh vệ tinh chụp sân bay quốc tế Khartoum vào ngày 16/4. Ảnh: Maxar/DigitalGlobe/Getty.

Cư dân vẫn bị mắc kẹt trong các khu vực giao tranh ở Sudan, khi đạn pháo và tiếng súng trút xuống xung quanh họ.

Tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF) cho biết, tình trạng thiếu nguồn cung cấp y tế, máu và điện, nước đang đe dọa các hoạt  động cấp cứu, điều trị ở Sudan.

Ít nhất 270 người đã thiệt mạng do các cuộc giao tranh, theo các quan chức của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trích dẫn báo cáo của Bộ Y tế Sudan hôm 18/4.

Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế cho biết, gần như không thể cung cấp các dịch vụ nhân đạo xung quanh thủ đô Khartoum.

leftcenterrightdel
 Nhà cửa cư dân ở Sudan bị hư hại do bạo lực. Nguồn: Stringer / Reuters.

Trong một tuyên bố, Bộ Y tế Sudan cho biết, ngành y tế ở thủ đô Khartoum đang trên bờ vực sụp đổ hoàn toàn với 16 bệnh viện hiện đã ngừng hoạt động hoàn toàn.

Hôm 18/4, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tedros Adhanom Ghebreyesus, đã lên án cuộc xung đột ở Sudan, cảnh báo, nguồn cung cấp y tế tại quốc gia Bắc Phi đã cạn kiệt, thiếu nhân viên y tế tại chỗ và một số cơ sở chăm sóc sức khỏe đã bị cướp phá hoặc đang được sử dụng cho mục đích quân sự.

Một báo cáo của LHQ cho biết, các thành viên vũ trang đã xâm nhập vào nơi ở của nhân viên LHQ và các tổ chức quốc tế khác ở trung tâm thủ đô Khartoum.

leftcenterrightdel
 Người dân đón xe chạy khỏi Khartoum vào ngày 18/4 khi xung đột tại đây tiếp tục leo thang. Ảnh: AFP

Theo tài liệu, các tay súng đã tấn công tình dục phụ nữ và lấy trộm đồ đạc, bao gồm cả ô tô. “Ở Khartoum, các nhân viên mặc đồng phục có vũ trang, được cho là từ RSF, đang vào nơi ở của những người nước ngoài, tách đàn ông và phụ nữ ra rồi đưa họ đi” báo cáo viết. Một vụ hiếp dâm cũng đã được báo cáo.

SAF và RFS cáo buộc lẫn nhau về hành vi trên cũng như việc phá vỡ lệnh ngừng bắn.

Trong một tuyên bố chiều ngày 19/4, RFS cáo buộc, quân đội Sudan đã điều động các lực lượng quân sự và dân quân vũ trang từ một số thành phố về thủ đô Khartoum; tiếp tục ném bom, bắn phá các khu đông dân cư; sử dụng vũ khí hạng nặng tấn công các vị trí của RFS; triển khai lực lượng dân quân và các Lữ đoàn Mujahideen cực đoan (mặc trang phục giả danh lực lượng RFS) vào các khu dân cư buộc cư dân phải rời bỏ nhà cửa; đánh bom hệ thống cấp nước, điện gây tình trạng mất điện, nước và gián đoạn các dịch vụ sử dụng điện, nước.

Văn Phong/Kyodo, CNN, RSF