Trích dẫn các nguồn tin địa phương, Avia.pro cho biết, Bộ Quốc phòng Iraq hiện đang đàm phán với đối tác Nga về việc mua các máy bay MiG-29 mới, đối thủ của F-16 Fighting Falcon và F/A-18E/F Super Hornet, nhằm thay thế các máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất hiện đã bị ngừng hoạt động.
Không rõ biến thể nào, MiG-29 hay phiên bản nâng cấp mới nhất MiG-35, sẽ là chủ đề của các cuộc đàm phán.
|
|
Chiến đấu cơ F16D. Ảnh: Analisidifesa. |
Sau khi đặt hàng 24 chiếc F-16C Block 52 và 12 chiếc F-16D Block 52, được giao từ năm 2014 - 2017 và bị mất 2 chiếc một chỗ ngồi, Không quân Iraq còn 34 chiếc F-16 trong đội hình. Tuy nhiên, theo thông tin được cung cấp bởi các nguồn quân sự địa phương và các phương tiện truyền thông Hoa Kỳ, ít nhất một nửa phi đội này đã không thể bay do các lỗi bảo trì.
Đây không chỉ là vấn đề chi phí mà do sự vắng mặt của các nhân viên chuyên trách Mỹ, quân nhân và nhà thầu của các công ty dân sự đã vội vã rút khỏi nhiều căn cứ khác nhau ở Iraq, bao gồm cả Balad, nơi F-16 được triển khai, sau vụ tấn công tên lửa của Iran xảy ra để trả đũa vụ ám sát tướng Iran Qasem Soleimani.
|
|
MiG29G Không quân Đức. Ảnh:Michael Ammons-USAF. |
Kể từ đó, nhiều chiếc F-16 được cho là đã ngừng hoạt động do không được hỗ trợ kỹ thuật và bảo trì. Một sĩ quan cấp cao của Không quân Iraq gần đây đã tuyên bố, phi đội F-16 của Iraq “gần như không tồn tại”.
Theo Avia.pro, “khả năng mua máy bay chiến đấu MiG-29 của Nga đã được các nhà lãnh đạo quân đội Iraq xem xét.
Tin tức trên truyền thông quốc tế thời gian qua loan báo, Iraq cũng đang xem xét việc mua các hệ thống phòng không tầm xa S-400 của Nga, nhưng hiện tại vẫn chưa có hợp đồng nào được hiện thực hóa.
|
|
MiG-29S Không quân Nga. Ảnh: Kirill Naumenko. |
Hồi đầu năm, Ủy ban An ninh và Quốc phòng- Quốc hội Iraq đã đề xuất và hối thúc Chính phủ đàm phán mua S-400 của Nga. Tuy nhiên, Mỹ kịch liệt phản đối giao dịch, dọa sẽ có những biện pháp trừng phạt mạnh tay một khi Iraq cố tình thực hiện các thương vụ vũ khí với Nga.
Trong khi Iraq muốn đa dạng hóa trang bị vũ khí để có thể tự chủ vấn đề an ninh trong nước, đặc biệt là những vũ khí hiện đại của Nga, Nga dường như cũng đang muốn trở lại là nhà cung cấp khí tài quân sự chính cho Iraq.
|
|
MiG-35 Không quân Ấn Độ. Ảnh: Dmitriy Pichugin. |
Theo quốc hội Iraq, trong điều kiện hiện tại, lãnh đạo đất nước không thể chỉ dựa vào viện trợ của phương Tây. Tuy nhiên, nếu xích lại gần Nga trong các thương vụ vũ khí, ngoài vấn đề tài chính, Iraq ý thức sẽ vấp phải vấn đề chính trị và phải đối mặt với mối đe dọa trừng phạt từ Mỹ.
Thành viên Ủy ban An ninh và Quốc phòng của Quốc hội Iraq Badr al-Ziyadi cho biết, chủ đề mua S-400 đã được nêu ra với các thành viên của Bộ Tổng tham mưu Các lực lượng Vũ trang (AF) nước này. Và, việc quyết định mua S-400 sẽ được Thủ tướng xem xét, khi nội các chính phủ ổn định.
“Có nhiều công ty và doanh nhân đang cố gắng ngăn cản Iraq kí hợp đồng mua vũ khí ở các nước phát triển. Tuy nhiên, nghị sĩ hứa rằng giới lãnh đạo Iraq vẫn sẽ thảo luận về các thỏa thuận vũ khí không chỉ với Nga, mà còn với Trung Quốc và Ukraine.”, ông al-Ziyadi tiết lộ.