Hôm 15/10, Phái đoàn thường trực của Iran tại Liên Hợp Quốc đã kêu gọi Israel “chấm dứt lập tức tội ác” chống lại người Palestine ở Dải Gaza.

Tuyên bố cảnh báo “nếu tội ác chiến tranh và nạn diệt chủng” không dừng lại lập tức, tình hình có thể “vượt khỏi tầm kiểm soát”.

Phái đoàn Iran tại Liên Hợp Quốc nhấn mạnh, các động thái leo thang bạo lực của Israel đối với người dân Gaza có thể “gây ra những hậu quả sâu rộng”.

Trước đó, trong cuộc họp báo hôm 14/10 ở Beirut, Lebanon, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir Abdollahian cảnh báo, phản ứng của các nhóm kháng chiến trong khu vực trước việc Israel bắn phá không ngừng vào Dải Gaza sẽ thay đổi bản đồ hiện tại về các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng.

Trong các cuộc gặp với thủ lĩnh các phong trào kháng chiến trong khu vực trước đó, ông Abdollahian cho biết, các phong trào kháng chiến này đang trong trạng thái “sung mãn” và đã sẵn sàng cho mọi kịch bản đối phó với các hoạt động quân sự của Israel.

Trước tuyên bố cần can thiệp của Iran trong trường hợp Israel có hoạt động trên bộ ở Dải Gaza, nhà bình luận Nga, Vladimir Sotnikov, cho rằng, Tehran sẽ không tham gia vào cuộc xung đột bằng việc gửi quân đội đến khu vực. Theo ông Sotnikov, điều Iran thực sự có thể làm trong trường hợp này là kích hoạt các lực lượng thân Iran thường xuyên có mặt trong khu vực.

leftcenterrightdel
 Với tiềm lực quân sự, bao gồm năng lực về máy bay không người lái, Iran có thể hỗ trợ đặc lực cho các phong trào kháng chiến ở Trung Đông để đối phó với Israel. Ảnh: Iranian Army / AP.

“Tăng cường hỗ trợ cho họ, bao gồm cả tài chính, cung cấp vũ khí. Khuyến khích tham gia cuộc chiến chống lại Lực lượng Phòng vệ Israel. Đây rõ ràng là điều mà Iran muốn nói đến, bởi vì họ thực sự có thể làm được điều này. Và họ nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ các lực lượng ủng hộ Hamas ở các khu vực trên thế giới, cũng như ở một số nước Ả Rập.”, ông Sotnikov lưu ý.

Nhà phân tích quân sự và là Tổng biên tập Tạp chí Quốc phòng National Defense, Igor Korotchenko, cho rằng, kết cục của xung đột Israel-Hamas phụ thuộc vào mức độ hỗ trợ từ phía Iran.

Trong cuộc họp báo ngày 16/10, người phát ngôn Lực lượng  Phòng vệ Israel (IDF), Daniel Hagari cho biết, ngày 15/10, với sự hậu thuẫn của Iran, Hezbollah, tổ chức chính trị- vũ trang Hồi giáo ở Lebanon, đã thực hiện một số cuộc tấn công nhằm cố gắng chuyển hướng các nỗ lực quân sự của Israel ra khỏi Dải Gaza. Các động thái của Hezbollah khiến Israel đã phải tăng cường lực lượng ở biên giới phía bắc cùng với việc sơ tán cư dân khỏi các cộng đồng cách biên giới Lebanon 2 km.

Sáng ngày 7/10, Hamas, phong trào kháng chiến Hồi giáo Palestine ở Gaza đã khởi xướng một chiến dịch quân sự bất ngờ trên nhiều hướng thông qua đường bộ, đường biển và đường hàng không nhằm vào lãnh thổ Israel.  Nhóm này tuyên bố hành động này là để đáp trả việc tấn công Nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa ở Đông Jerusalem bị chiếm đóng và bạo lực ngày càng gia tăng của người định cư Israel đối với người Palestine. 

leftcenterrightdel
 Người Iraq tổ chức một cuộc biểu lớn tại Baghdad hôm 13/10 ủng hộ người Palestine ở Dải Gaza. Ảnh: Reuters.

Theo các quan chức Israel, các cuộc tấn công của Hamas đã khiến hơn 1.300 người thiệt mạng và gần 4.000 người bị thương.

Để trả đũa, Israel đã tiến hành bắn phá dữ dội trên khắp Dải Gaza, giết chết hơn 2.750 người Palestine, trong đó có hàng trăm trẻ em và phụ nữ, và làm bị thương khoảng 10.000 người khác. Tel Aviv cũng đã thực hiện bao vây toàn diện Gaza, đồng thời tuyên bố sẽ ngừng cung cấp điện, nước, thực phẩm và nhiên liệu cho thành phố này.

Trong một tuyên bố hôm 12/10, quân đội Israel cho biết đã thả hơn 6.000 quả bom xuống khu vực bị bao vây kể từ 7/10. Trong khi Lực lượng không quân Israel đã tấn công hơn 3.600 mục tiêu ở Gaza, phá hủy hàng ngàn ngôi nhà.

Hôm 13/10, quân đội Israel cũng đã ra lệnh cho 1,1 triệu người sống ở bắc Gaza sơ tán đến nam Gaza, trong bối cảnh có dấu hiệu nước này chuẩn bị tăng cường đợt tấn công mới, bao gồm tấn công trên bộ. Hàng chục ngàn người Palestine, trong lo sợ, đã tháo chạy về phía nam Gaza. 

Liên Hợp Quốc đã cảnh báo rằng, một làn sóng di tản quy mô hàng triệu người như vậy trong bối cảnh Gaza bị phong tỏa, không thể diễn ra mà không gây ra hậu quả về một thảm họa nhân đạo.

leftcenterrightdel
 Người Palestine tháo chạy về phía nam Dải Gaza sau lệnh sơ tán của Israel hôm 13/10. Ảnh: AP/ Hatem Moussa.

Trước thông tin của truyền thông nói Mỹ, Israel và Ai Cập đã đồng ý một lệnh ngừng bắn ở miền nam Gaza để cho phép cửa khẩu biên giới Rafah mở cửa cho phép đưa hàng viện trợ nhân đạo vào Gaza, ngày 16/10, Văn phòng Thủ tướng Israel Netanyahu đã phủ nhận tin này, nói “Không có lệnh ngừng bắn”.

Trong khi các Bộ trưởng thuộc đảng Likud cầm quyền của Thủ tướng Netanyahu kịch liệt phản đối thỏa thuận ngừng bắn tạm thời do Mỹ làm trung gian.

Bộ trưởng Năng lượng Israel Katz, tuyên bố, ông phản đối mạnh mẽ việc dỡ lệnh phong tỏa và đưa hàng hóa vào Gaza vì lý do nhân đạo.

Tin liên quan, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ trở lại Israel hôm 16/10 để đàm phán về cuộc xung đột sau chuyến công du tới 6 quốc gia Ả Rập trong khu vực, phóng viên AFP đi cùng ông Blinken cho biết.

Gaza là một trong những khu vực có mật độ đông dân cư đông đúc nhất trên Trái đất, nơi có hơn 2 triệu người sống trong diện tích hơn 360 km2. 

Nó gần như bị cắt đứt hoàn toàn với phần còn lại của thế giới trong gần 17 năm. 

Hơn một nửa dân số sống trong nghèo đói với gần 80% dân số sống dựa vào viện trợ nhân đạo.

Văn Phong/Farsnews, Sputnik, Aljazeera