Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Ả Rập lần thứ 34 diễn ra tại Baghdad, Iraq hôm 17/5, chủ đề xoay quanh tình hình Gaza, đã đưa ra tuyên bố chung kêu gọi các quốc gia, các tổ chức tài chính quốc tế và khu vực, cung cấp hỗ trợ tài chính kịp thời để ủng hộ kế hoạch tái thiết dải đất bị chiến tranh tàn phá.
“Cuộc diệt chủng này ở Gaza đã đạt đến mức tột đỉnh và chưa từng có trong lịch sử các cuộc xung đột.”, Thủ tướng nước chủ nhà Iraq, Mohammed Shia al-Sudani, nói trong bài phát biểu khai mạc hội nghị.
    |
|
Israel khởi động chiến dịch Cỗ xe Gideon ở Gaza/ TimesNow. |
Ông al-Sudani cho biết, Iraq ủng hộ việc thành lập Quỹ Ả Rập để hỗ trợ các nỗ lực tái thiết Gaza, đồng thời thông báo, Baghdad sẽ đóng góp 20 triệu đô la vào quỹ này và 20 triệu đô la khác cho Lebanon, quốc gia cũng đang có xung đột với Israel.
Lời kêu gọi được đưa ra sau khi Tổng thống Donald Trump nhắc lại đề xuất Mỹ 'tiếp quản' Dải Gaza, dải đất của người Palestine đang bị Israel oanh kích dữ dội hàng ngày và phong tỏa nghiêm ngặt, cắt đứt các nguồn cung cấp nhu yếu phẩm nhằm gây áp lực, điều cũng được lên án là “vũ khí hóa” lương thực.
Israel cũng tuyên bố khởi động chiến dịch quân sự quy mô lớn trên khắp Gaza.
    |
 |
Xe tăng của Israel tập kết ở biên giới với Gaza. Ảnh: Jack GUEZ AFP. |
Thủ tướng Iraq cho biết, Baghdad phản đối việc cưỡng bức di dời người Palestine, kêu gọi chấm dứt “các vụ thảm sát ở Gaza, các cuộc tấn công vào Bờ Tây và các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng”.
“Chúng tôi đã và đang kêu gọi các nước Ả Rập hành động nghiêm túc và có trách nhiệm để cứu Gaza và tái kích hoạt hoạt động của UNRWA- Cơ quan Cứu trợ và việc làm của Liên hợp quốc (LHQ) dành cho người tị nạn Palestine.”, ông al-Sudani nói.
Ngoại trưởng Ả Rập Xê Út, Adel al-Jubeir, cũng ủng hộ mạnh mẽ lập trường của Thủ tướng nước chủ nhà, khi kêu gọi ngừng bắn lập tức ở Gaza và phản đối mọi nỗ lực cưỡng bức di dời người Palestine.
Ông Al-Jubeir kêu gọi nỗ lực chung “để giảm bớt đau khổ nhân đạo của người dân Palestine”; đồng thời cho biết “tội ác” và vi phạm của Israel ở Gaza là hành vi “vi phạm trắng trợn Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế”.
    |
 |
Hội nghị thượng đỉnh Ả Rập lần thứ 34 diễn ra tại Baghdad, Iraq hôm 17/5. Nguồn: Duhok_Buzz. |
Ngoại trưởng Al-Jubeir cũng cho biết, Ả Rập Xê Út bác bỏ “bất kỳ giải pháp nào không đáp ứng được nguyện vọng của người dân Palestine về việc khôi phục quyền tự quyết hợp pháp của họ, cụ thể là thành lập một nhà nước có chủ quyền, độc lập, theo đường biên giới năm 1967 với Đông Jerusalem là thủ đô”.
Trước đó, trong một tuyên bố chung vào cuối ngày 16/5, các nhà lãnh đạo Iceland, Ireland, Luxembourg, Malta, Slovenia, Tây Ban Nha và Na Uy cho biết, họ “sẽ không im lặng” trước thảm họa nhân đạo được cố ý gây ra ở Gaza, khi lệnh phong tỏa của Israel đã ngăn cản việc cung cấp lương thực và viện trợ nhân đạo cho hơn 2 triệu người Palestine trong hai tháng rưỡi qua.
“Chúng tôi kêu gọi chính phủ Israel ngay lập tức đảo ngược chính sách hiện tại, kiềm chế các hoạt động quân sự tiếp theo và dỡ bỏ hoàn toàn lệnh phong tỏa, đảm bảo viện trợ nhân đạo được tiếp cận, phân phối an toàn, nhanh chóng và không bị cản trở trên khắp dải Gaza bởi các tổ chức nhân đạo quốc tế.”, tuyên bố viết.
    |
 |
Tại Hội nghị thượng đỉnh Ả Rập, Tổng thư ký LHQ Guterres một lần nữa kêu gọi lệnh ngừng bắn, thả con tin và nối lại cung cấp hàng viện trợ vào Gaza ngay lập tức. Ảnh: AFP/Getty. |
Tuyên bố nhấn mạnh, hơn 50.000 người Palestine, bao gồm phần lớn phụ nữ và trẻ em đã thiệt mạng trong hơn 19 tháng xung đột. Hàng ngàn người khác có thể chết đói trong những ngày và tuần tới nếu không có hành động ngay lập tức.
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres và Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez, những người vốn chỉ trích gay gắt hành động diệt chủng của Israel ở Gaza, tiếp tục đưa ra những phản ứng mạnh mẽ khi là khách mời của hội nghị.
Ông Guterres nhấn mạnh, cần một lệnh ngừng bắn vĩnh viễn, trả tự do cho các con tin và cho phép viện trợ nhân đạo được lưu thông tự do, chấm dứt tình trạng phong tỏa, những điều này cần phải được thực hiện ngay lập tức.
Trong khi ông Sanchez nói rằng, cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza phải chấm dứt “ngay lập tức và không chậm trễ”!.
“Palestine và Tây Ban Nha đang soạn thảo một dự thảo mới để trình lên LHQ, trong đó chúng tôi yêu cầu Israel chấm dứt cuộc bao vây nhân đạo bất công đối với Gaza và cho phép chuyển hàng cứu trợ vô điều kiện vào Gaza.”, Thủ tướng Tây Ban Nha nói.
Ông Sanchez cũng lưu ý cần thiết phải gây thêm áp lực lên Israel để chấm dứt cảnh tàn sát đang diễn ra ở Gaza, bằng mọi biện pháp có thể.
    |
 |
Người dân Palestine ở Gaza một lần nữa phải rời bỏ nhà cửa theo lệnh của Israel. Ảnh: Mahmoud Issa/Reuters/Aljazeera. |
“Và tại đây, tôi muốn thông báo rằng, Tây Ban Nha sẽ đệ trình một đề xuất lên Đại hội đồng để Tòa án Hình sự Quốc tế xem xét việc Israel tuân thủ việc cung cấp viện trợ nhân đạo vào Gaza.”, Thủ tướng Tây Ban Nha thông báo.
Vào đầu tháng 3, Israel đã đơn phương phá vỡ thỏa thuận ngừng bắn đạt được hồi tháng 1 với Hamas, nối lại các cuộc tấn công dữ dội trên khắp Gaza, cùng với việc phong tỏa toàn diện, cắt dứt nguồn cung cấp nhu yếu phẩm cho khoảng 2,4 triệu người Palestine đang vật lộn để tồn tại.
Bất chấp sự chỉ trích ngày càng tăng của quốc tế về cách tiến hành chiến tranh của Chính phủ của Thủ tướng Netanyahu, ngày 17/5, trong khi đang tiến hành đàm phán gián tiếp với Hamas về lệnh ngừng bắn và trao đổi con tin, Quân đội Israel (IDF) tuyên bố đã tiến hành các cuộc không kích quy mô lớn trên toàn bộ lãnh thổ Gaza, bước khởi đầu của kế hoạch mới gia tăng cường độ tấn công vào dải đất của người Palestine.
IDF cũng đã tiến hành đợt huy động quân dự bị và có các hoạt động chuyển quân, chiếm giữ các địa điểm chiến lược tại Gaza, khởi động chiến dịch “Cỗ xe Gideon”, một cuộc tấn công trên bộ với xe bọc thép và pháo binh.
    |
 |
Mỗi ngày có thêm hàng chục người Palestine thiệt mạng do các cuộc không kích của Israel. Trong ảnh những thi thể nạn nhân tại một bệnh viện ở thành phố Gaza, ngày 16/5. Ảnh: Khames Alrefi/ Anadolu. |
Tối 16/5, truyền đơn đã được Israel rải xuống, yêu cầu người Palestine một số vùng ở phía bắc Gaza phải sơ tán về phía nam.
Israel cảnh báo Hamas rằng, nếu nhóm này không đáp ứng các “khuôn khổ” do Mỹ và Israel đưa ra, chiến dịch quân sự mới tại Gaza sẽ bắt đầu.
Trở lại vấn đề đề xuất của ông Trump về việc Mỹ “tiếp quản” Gaza, hôm 15/5 khi đang ở thăm Qatar, nhà lãnh đạo Mỹ đã nhắc lại rằng, ông muốn Washington “chiếm giữ” Gaza và biến nó thành “khu vực tự do”.
Trước đó hồi đầu tháng 2, ông Trump đã gây “bão” dư luận và gây ra một làn sóng chỉ trích khi tuyên bố rằng, ông muốn kiểm soát Gaza trong dài hạn và tái phát triển lãnh thổ này thành “Riviera của Trung Đông”sau khi người Palestine bị di dời, có thể là vĩnh viễn đến nước khác.
Phản ứng trước ý tưởng này, ngày 3/2, sau cuộc họp cấp ngoại trưởng, 5 Ngoại trưởng các quốc gia Ả Rập, gồm Jordan, Ai Cập, Ả Rập Xê Út, Qatar, Các Tiểu vương quốc A Rập Thống nhất (UAE) và Thư kí Ban chấp hành Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) Hussein Al-Sheikh, đã gửi một bức thư chung tới Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio, kêu gọi Washington ủng hộ giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột Israel-Palestine và bác bỏ những đề xuất gần đây của ông Trump về việc tái định cư người dân Dải Gaza, tạm thời hoặc vĩnh viễn, ở những nơi khác tại Trung Đông.
    |
 |
Thủ tướng Iraq, Mohammed Shia al-Sudani, tại hội nghị thượng đỉnh Ả Rập 34. Nguồn: Zoomnews. |
“Người Palestine không muốn rời bỏ đất nước của họ. Chúng tôi ủng hộ lập trường của họ một cách nhất quán.”, thư viết.
Trong một thông cáo ngày 5/2, Bộ Ngoại giao Ả Rập Xê Ú tuyên bố, nước này kiên định lập trường ủng hộ việc thành lập nhà nước Palestine và phản đối mọi nỗ lực đẩy người Palestine khỏi đất nước của họ; nhấn mạnh, Riyadh sẽ không thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel nếu Nhà nước Palestine độc lập không được thành lập.
“Lập trường của Ả Rập Xê Út về việc thành lập Nhà nước Palestine là kiên định và không thay đổi... Ả Rập Xê Út sẽ không thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel nếu chưa đạt được mục tiêu này.”, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ả Rập Xê Út viết, lưu ý, lập trường của nước này không phải là đối tượng để mang ra đàm phán và đã được thông báo tới cả chính quyền Mỹ hiện tại và trước đây.
Ý tưởng nghiêm túc của ông Trump đã thúc đẩy các nhà lãnh đạo Ả Rập đưa ra một kế hoạch tái thiết Gaza tại một hội nghị thượng đỉnh ở Cairo, Ai Cập; trong đó đề xuất xây dựng lại dải đất mà không cần di dời 2,4 triệu cư dân Palestine.
Di dời 1 triệu người Palestine ở Gaza
Ngày 17/5, hãng thông tấn Nga Sputnik dẫn thông tin phát trên kênh truyền hình NBC, nói rằng, chính quyền của Tổng thống Trump đang soạn thảo kế hoạch di tản một triệu người Palestine từ Dải Gaza đến Libya.
    |
 |
Ngoại trưởng Ả Rập Xê Út, Adel al-Jubeir, tuyên bố nước này phản đối mọi nỗ lực cưỡng bức di dời người Palestine/ KSAmofaEN. |
Theo nguồn tin, Washington cam kết sẽ giải phóng các tài sản bị phong tỏa trước đây của Libya, nếu nước này đồng ý tiếp nhận người Palestine.
Tuy vậy hiện quyết định vẫn chưa thông qua, bởi việc thực hiện kế hoạch nhiều khả năng sẽ gặp phải khó khăn. Đặc biệt, vẫn chưa rõ có bao nhiêu cư dân ở Dải Gaza sẵn sàng tự nguyện chuyển đến Libya.
Đây dường như là con bài của Washington để mặc cả với Libya, khi chính quyền mới ở nước này đang cần Mỹ, để được dỡ bỏ lệnh cấm vận, công nhận tính hợp pháp, cũng như hội nhập để tái thiết, phát triển đất nước, sau khi các quốc gia Ả Rập từ chối phương án cưỡng bức di dời người Palestine.