Ả Rập Xê Út: Không có quan hệ với Israel nếu không có nhà nước Palestine

Phản ứng trước ý tưởng của tân Tổng thống Mỹ, Ả Rập Xê Út- một cường quốc khu vực mà ông Trump hi vọng sẽ thiết lập quan hệ với Israel, đã từ chối thẳng thừng ý tưởng này.

Trong một thông cáo ngày 5/2, Bộ Ngoại giao Ả Rập Xê Ú tuyên bố, nước này kiên định lập trường ủng hộ việc thành lập nhà nước Palestine và phản đối mọi nỗ lực đẩy người Palestine khỏi đất nước của họ; nhấn mạnh, Riyadh sẽ không thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel nếu Nhà nước Palestine độc lập không được thành lập.

“Lập trường của Ả Rập Xê Út về việc thành lập Nhà nước Palestine là kiên định và không thay đổi... Ả Rập Xê Út sẽ không thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel nếu chưa đạt được mục tiêu này.”, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ả Rập Xê Út viết, lưu ý, lập trường của nước này không phải là đối tượng để mang ra đàm phán và đã được thông báo tới cả chính quyền Mỹ hiện tại và trước đây.

leftcenterrightdel
 Tổng thống Mỹ Donald Trump (bên phải) và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng, ngày 4/2.Ảnh: AP.

Tuyên bố này được đưa ra sau cuộc họp báo giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Israel Netanyahu vào ngày 4/2, trong đó nhà lãnh đạo Mỹ cho biết, ông muốn kiểm soát Gaza trong dài hạn và tái phát triển lãnh thổ này sau khi người Palestine bị di dời, có thể là vĩnh viễn đến nước khác.

Ông Trump tuyên bố sẽ biến nơi này thành “Riviera của Trung Đông”, nơi “người dân toàn cầu” có thể sinh sống.

Theo luật pháp quốc tế, mọi nỗ lực nhằm cưỡng ép di dân  đều bị nghiêm cấm, và người Palestine cũng như các quốc gia Ả Rập sẽ coi đây không khác gì với một đề xuất rõ ràng nhằm trục xuất họ và thực hiện thanh trừng sắc tộc đối với người Palestine khỏi quê hương của họ.

Thông điệp từ 5 quốc ga Ả Rập

Ngày 3/2, sau cuộc họp cấp ngoại trưởng, 5 Ngoại trưởng các quốc gia Ả Rập, gồm Jordan, Ai Cập, Ả Rập Xê Út, Qatar, Các Tiểu vương quốc A Rập Thống nhất (UAE) và Thư kí Ban chấp hành Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) Hussein Al-Sheikh, đã gửi một bức thư chung tới Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio, kêu gọi Washington ủng hộ giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột Israel-Palestine và bác bỏ những đề xuất gần đây của ông Trump về việc tái định cư người dân Dải Gaza, tạm thời hoặc vĩnh viễn, ở những nơi khác tại Trung Đông.

“Người Palestine không muốn rời bỏ đất nước của họ. Chúng tôi ủng hộ lập trường của họ một cách nhất quán.”, thư viết.

Tổng thống Mỹ đã gây ra một làn sóng chỉ trích trong hai tuần qua khi ông liên tục đưa ra đề xuất rằng các quốc gia như Jordan và Ai Cập nên tiếp nhận những người Palestine di tản trong khi Dải Gaza được tái thiết sau 15 tháng chiến tranh giữa Israel và phong trào kháng chiến Hamas. Khi được hỏi liệu đây có phải là đề xuất tạm thời hay dài hạn, Trump trả lời: “Có thể là cả hai”.

Cả Jordan và Ai Cập đều bác bỏ ý tưởng này.

leftcenterrightdel
 Dải Gaza của người Palestine tan hoang sau hơn 15 tháng xung đột/ UNLazzarini.

Vào ngày 3/2, ông Trump lại trở thành tâm điểm chú ý khi được hỏi về khả năng Israel sáp nhập Bờ Tây, ông trả lời: “Tôi sẽ không nói về điều đó”, tuy nhiên lưu ý, Israel là “một vùng đất khá nhỏ” so với phần còn lại của Trung Đông và điều đó là.. không tốt!.

Trong thư, các nhà ngoại giao kêu gọi Mỹ phản đối bất kì “biện pháp đơn phương nào làm suy yếu khả năng tồn tại của giải pháp hai nhà nước”, đồng thời nói thêm, “điều bắt buộc là Israel không được sáp nhập bất kì vùng đất nào của Palestine”.

Các nhà ngoại giao Ả Rập cảnh báo, việc trục xuất người Palestine khỏi đất đai của họ cũng sẽ đẩy khu vực này vào tình trạng căng thẳng, xung đột và bất ổn hơn. Động thái như vậy không chỉ là hành vi vi phạm rõ ràng luật pháp quốc tế. Nó sẽ là mối đe dọa đối với sự ổn định và an ninh của khu vực.

Các Ngoại trưởng bày tỏ niềm tin vào tầm nhìn về hòa bình của tân Tổng thống Mỹ, nói, họ tin rằng Tổng thống Trump có thể mang lại nền hòa bình mà khu vực và thế giới đã không đạt được trong nhiều thập kỉ.

Nhiều nhà lãnh đạo thế giới lên tiếng

Ngày 5/2, tại cuộc gặp với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas ở Amman, Nhà Vua Jordan Abdullah II đã bác bỏ mọi nỗ lực di dời người Palestine khỏi Gaza và Bờ Tây.

“Nhà Vua nhấn mạnh sự cần thiết phải dừng hoạt động định cư của Israel và bác bỏ mọi nỗ lực sáp nhập đất đai hoặc trục xuất người Palestine khỏi Gaza hoặc Bờ Tây.”,  tuyên bố của Vua Abdullah II  được Petra đăng tải.

Vua Abdullah II cũng cho biết, cần phải duy trì lệnh ngừng bắn ở Gaza, tăng cường nỗ lực quốc tế nhằm tăng viện trợ nhân đạo và đảm bảo viện trợ đến được mọi khu vực của dải đất.

Nhà Vua Jordan kêu gọi cộng đồng quốc tế đóng vai trò hiệu quả hơn trong việc ngăn chặn leo thang ở Bờ Tây và các cuộc tấn công vào các địa điểm linh thiêng của Hồi giáo cũng như Thiên chúa giáo ở Jerusalem.

Thổ Nhĩ Kỳ gọi đề xuất này là “không thể chấp nhận được” trong khi Pháp nói nó có nguy cơ gây bất ổn cho Trung Đông.

leftcenterrightdel
 Người Palestine ở Gaza một lần nữa đứng trước nguy cơ phải rời bỏ quê hương của họ. Ảnh: Mahmud Hams / AFP.

Nhiều ý kiến gay gắt từ Pháp nói, việc cưỡng bức di dời người dân Gaza sẽ là hành vi vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, là hành vi tấn công vào nguyện vọng chính đáng của người Palestine và làm mất ổn định khu vực.

Các quốc gia từ Nga, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Ireland và Vương quốc Anh cho biết, họ tiếp tục ủng hộ giải pháp hai nhà nước đã hình thành nên nền tảng chính sách của Washington trong khu vực trong nhiều thập kỉ.

Sami Abu Zuhri- một quan chức cấp cao của phong trào kháng chiến Palestine Hamas, tuyên bố yes tưởng Mỹ việc tiếp quản Dải Gaza là “lố lăng và vô lí”.

“Bất kì ý tưởng nào như thế này đều có khả năng châm ngòi khu vực”, ông Zuhri nói, cho biết, Hamas vẫn cam kết thực hiện thỏa thuận ngừng bắn với Israel và “đảm bảo thành công của cuộc đàm phán trong giai đoạn thứ hai”.

Trung Quốc cho biết họ phản đối việc cưỡng bức di dời người Palestine.

“Trung Quốc luôn tin rằng người Palestine quản lý Palestine là nguyên tắc cơ bản của chính quyền hậu xung đột”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm nói, đồng thời thêm rằng Bắc Kinh ủng hộ giải pháp hai nhà nước trong khu vực.

Trong tuyên bố ngày 5/2, Điện Kremlin nói, Nga tin rằng một giải pháp ở Trung Đông chỉ có thể khả thi trên cơ sở giải pháp hai nhà nước.

Ngoại trưởng Tây Ban Nha, Jose Manuel Albares, cho biết, Gaza là vùng đất của người Palestine và họ phải ở lại Gaza.

Tổng giám đốc điều hành của Tổ chức Ân xá Quốc tế Paul O'Brien cho biết, việc di dời toàn bộ người Palestine khỏi Gaza “tương đương với việc hủy hoại họ như một dân tộc”.

leftcenterrightdel
 Tổng thư kí Guterres nhấn mạnh, quá trình tìm kiếm giải pháp cho Gaza, nhất thiết không được làm cho vấn đề trở nên phức tạp thêm; và, điều quan trọng là phải tuân thủ nền tảng của luật pháp quốc tế/ futuremedianews.com

Ngày 6/2, Ngoại trưởng Canada, Melanie Joly, cho biết, Chính phủ nước này không thay đổi lập trường về cuộc xung đột ở Dải Gaza và tiếp tục ủng hộ việc công nhận Palestine.

“Lập trường lâu dài của Canada về Gaza không thay đổi. Chúng tôi cam kết đạt được giải pháp hai nhà nước, nơi người Israel và người Palestine có thể sống an toàn trong phạm vi biên giới được quốc tế công nhận.”, bà Joly viết trên trang cá nhân.

Trước đó, chính quyền Canada đã nhiều lần tuyên bố xung đột ở Dải Gaza chỉ có thể được giải quyết trên cơ sở chung sống hòa bình giữa hai nhà nước với sự công nhận Nhà nước Palestine.

Ngày 5/2, Tổng thư kí LHQ Antonio Guterres, nhấn mạnh cần phải tái khẳng định giải pháp hai nhà nước.

“Bất kì nền hòa bình lâu dài nào cũng đòi hỏi tiến bộ hữu hình, không thể đảo ngược và lâu dài hướng tới giải pháp hai nhà nước, chấm dứt sự chiếm đóng và thành lập một Nhà nước Palestine độc lập, với Gaza là một phần không thể thiếu. Người dân Palestine có quyền sống đơn giản như con người trên mảnh đất của họ.”, ông Guterres nói, cho biết, LHQ cam kết đầy đủ vì hòa bình, ổn định và các quyền bất khả xâm phạm của người dân Palestine.

Người đứng đầu LHQ cho rằng, trong quá trình tìm kiếm giải pháp cho Gaza, nhất thiết không được làm cho vấn đề trở nên phức tạp thêm. Và, điều quan trọng là phải tuân thủ nền tảng của luật pháp quốc tế và tránh mọi hình thức thanh lọc sắc tộc.

Tổng thư kí LHQ kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ Chính quyền Palestine khôi phục sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và phát triển bộ máy quản lí. Đặc biệt chú ý đến việc tái thiết Dải Gaza.

Văn Phong/Aljazeera, Timesofisrael, Sputnik