Ngày 4/6, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, nước này đã đình chỉ hoàn toàn thỏa thuận giảm căng thẳng quân sự liên Triều năm 2018 cho đến khi niềm tin giữa 2 miền được khôi phục.

Động thái được nói để đáp trả “chiến dịch” hồi tuần trước của Triều Tiên gây nhiễu tín hiệu GPS và thả bóng bay mang theo chất thải sang Hàn Quốc.

“Biện pháp này đang khôi phục lại trạng thái bình thường cho tất cả các hoạt động quân sự của quân đội chúng tôi, vốn đã bị hạn chế bởi hiệp ước năm 2018 để bảo vệ tính mạng và sự an toàn của người dân Hàn Quốc.”, Thứ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc, Cho Chang-rae, cho biết trong một cuộc họp báo.

Với việc đình chỉ thỏa thuận năm 2018, Hàn Quốc sẽ có thể tiến hành các cuộc tập trận để tăng cường phòng thủ tiền tuyến gần đường phân giới quân sự (MDL) và các đảo biên giới.

leftcenterrightdel
 Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách chính sách Hàn Quốc, Cho Chang-rae, phát biểu trong cuộc họp báo ở Seoul ngày 4/6. Nguồn: Yonhap.

Việc đình chỉ cũng sẽ cho phép Hàn Quốc khởi động lại các chương trình phát thanh tuyên truyền, một công cụ chính của chiến tranh tâm lý nhắm vào Triều Tiên.

Trước đó cùng ngày, người phát ngôn của Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc, Lee Sung-jun, cho biết, nhiều biện pháp khác nhau có thể được thực hiện sau khi đình chỉ thỏa thuận.

Tuy vậy, một quan chức Bộ Thống nhất cho biết Hàn Quốc lưu ý, Seoul vẫn sẵn sàng đối thoại với Triều Tiên, đồng thời nhấn mạnh, Bình Nhưỡng không nên đi theo con đường tự cô lập thông qua những “hành động khiêu khích” như vậy; nhắc lại việc Triều Tiên đã cắt đứt đường dây liên lạc liên Triều vào tháng 4 năm ngoái.

Trong một diễn biến khác, Hàn Quốc cáo buộc Triều Tiên đang có những động thái nhằm xóa bỏ di sản mối liên hệ và hợp tác liên Triều.

Hôm 5/6, Cơ quan tình báo Hàn Quốc (NIS) cho biết, đã phát hiện các dấu hiệu cho thấy Triều Tiên gần đây đã phá hủy một số đoạn ở phía bắc của tuyến đường sắt liên Triều trên bờ biển phía đông.

leftcenterrightdel
 Đoàn tàu chạy thử trên tuyến đường sắt liên Triều Donghae năm 2007. Nguồn: Yonhap.

Hàn Quốc và Triều Tiên đã đồng ý khôi phục hai tuyến đường sắt  Gyeongui và Donghae  vào năm 2000, khi hai miền bị chia cắt tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên. Tuyến đường sắt Donghae nối các thành phố ven biển phía đông qua biên giới kiên cố.

Yonhap nói, Bình Nhưỡng đã nỗ lực xóa bỏ sự kết nối hai miền kể từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un định vị mối quan hệ liên Triều là quan hệ “giữa hai quốc gia thù địch” tại cuộc họp của đảng Lao động Triều Tiên cuối năm ngoái.

Tuyến đường sắt Donghae dài 27km, đi qua Khu phi quân sự kiên cố ngăn cách hai miền Triều Tiên được xây dựng vào năm 2006, dọc theo bờ biển phía đông bán đảo. Tuy nhiên sau khi được chạy thử năm 2007, đến nay nó vẫn chưa được vận hành.

Vào tháng 4/2018, tại hội nghị thượng đỉnh tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm nằm giữa Khu phi quân sự Triều Tiên (DMZ), Tổng thống Hàn Quốc khi đó Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã đồng ý kết nối và hiện đại hóa hai tuyến đường sắt.

Trong những tháng gần đây, Triều Tiên được cho đã đặt mìn và dỡ bỏ hệ thống đèn chiếu sáng dọc theo hai tuyến đường hiếm hoi nối hai miền Triều Tiên, trong một nỗ lực mà Hàn Quốc cho là nhằm đóng cửa hoàn toàn các tuyến đường từng được coi là biểu tượng của mối liên hệ và hợp tác liên Triều.

Văn Phong/Yonhap