Hôm 24/10, Quân đội Hàn Quốc cho biết, trước đó cùng ngày đã bắn cảnh cáo vào một tàu của Triều Tiên đi qua Đường giới hạn phía Bắc (NLL), đường phân định ranh giới giữa hai miền và là biên giới trên biển trên thực tế ở Biển Hoàng Hải.

Trong khi hãng thông tấn KCNA dẫn lời người phát ngôn Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Triều Tiên (KPA) cho biết, Bình Nhưỡng đã đáp trả bằng 10 quả đạn từ nhiều bệ phóng rốc két vào khoảng 5h15’ sáng, sau khi Quân đội Hàn Quốc bắn cảnh cáo vào khoảng 3h50’.

Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân (JCS) Hàn Quốc nói, tàu buôn của Triều Tiên đã xâm phạm đường giới tuyến NLL ở vùng biển gần đảo tiền tiêu Baengnyeong lúc 3h42’ sáng và đã bẻ lái về phía Bắc sau khi Hải quân miền Nam đưa ra các tín hiệu cảnh báo và bắn cảnh cáo.

leftcenterrightdel
 Đường giới hạn phía Bắc (NLL) giữa hai miền Triều Tiên ở Hoàng Hải. Nguồn: Yonhap.

Trong khi Quân đội Triều Tiên cáo buộc một tàu chiến của Hàn Quốc đã xâm phạm ranh giới biển phía Tây, do vậy đã bắn 10 quả đạn pháo cảnh báo.

Người phát ngôn giấu tên của Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Triều Tiên tuyên bố, tàu hộ tống của Hàn Quốc xâm phạm Đường phân giới quân sự do quân đội Triều Tiên kiểm soát 2,5-5 km lúc 3h50’ sáng với lý do thực hiện các cuộc trấn áp một tàu không xác định.

“Bộ Tổng tham mưu KPA một lần nữa gửi lời cảnh báo nghiêm túc tới địch thủ thậm chí đã xâm phạm bằng hải quân sau những hành động khiêu khích như vụ bắn pháo gần đây.”, tuyên bố của KCNA viết.

Quân đội Hàn Quốc cáo buộc việc Triều Tiên phóng 10 quả đạn pháo vào sáng 24/10 là vi phạm Hiệp định quân sự toàn diện (CMA) ngày 19/9/2018 giữa hai miền nhằm giảm căng thẳng biên giới. JCS gọi đây là hành động “khiêu khích” gây tổn hại đến hòa bình và ổn định không chỉ trên bán đảo Triều Tiên.

leftcenterrightdel
 Đường giới hạn phía Bắc (xanh) ở Hoàng Hải / ncnk.org

Việc trao đổi hỏa lực giữa Triều Tiên và Hàn Quốc diễn ra trong bối cảnh căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên gia tăng với các vụ bắn tên lửa liên tiếp của Bình Nhưỡng trong khi Seoul tăng cường các cuộc tập trận.

Có nhiều đồn đoán nói Triều Tiên có thể tiến hành vụ thử hạt nhân ngay sau khi Đại hội đảng của Trung Quốc kết thúc vào cuối tuần.

Các tàu của miền Bắc đã thường xuyên xâm nhập qua đường phân định NLL, bởi lâu nay Triều Tiên vốn yêu cầu giới tuyến này phải di chuyển xa hơn về phía Nam.

Được thiết lập bởi Bộ Tư lệnh Liên hợp quốc (UNC) do Mỹ lãnh đạo vào cuối Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, NLL đóng vai trò là biên giới biển trên thực tế giữa hai miền Triều Tiên. Bình Nhưỡng không công nhận đường biên giới như vậy và hai bên đã xảy ra xung đột đẫm máu trong vùng biển này vào các năm 1999, 2002 và 2009.

Văn Phong (theo Yonhap)