Hôm 2/10, tại Thụy Điển, Ủy ban Giải thưởng Nobel đã trao giải Nobel y học năm nay cho Katalin Karikó và Drew Weissman cho công trình nghiên cứu về vắc xin mRNA, một công cụ quan trọng trong việc khống chế sự lây lan của COVID-19.

Ủy ban đánh giá cao những phát hiện đột phá của các nhà khoa học “đã thay đổi căn bản sự hiểu biết của chúng ta về cách mRNA tương tác với hệ thống miễn dịch của con người”.

“Những nhà khoa học đoạt giải đã đóng góp vào tốc độ phát triển vắc xin chưa từng có trong thời điểm xảy ra một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe con người ở thời hiện đại.”, Ủy ban Giải thưởng Nobel đánh giá.

leftcenterrightdel
 Hai nhà khoa học Karikó và Weissman đã được trao giải Nobel y học vì công trình phát triển vắc xin mRNA. Nguồn: Steffen Trumpf/ Getty.

Hai nhà khoa học Karikó và Weissman đã công bố kết quả của họ trong một bài báo năm 2005. Vào thời điểm đó công trình nghiên cứu ít được chú ý, tuy vậy sau đó đã đặt nền móng cho những phát triển cực kỳ quan trọng phục vụ nhân loại trong ứng phó đại dịch do vi rút corona gây ra.

“Vắc xin mRNA cùng với các loại vắc xin COVID-19 khác đã được tiêm hơn 13 tỉ mũi; giúp cứu sống hàng triệu người, ngăn chặn hiệu lực COVID-19, giảm gánh nặng bệnh tật nói chung và giúp xã hội mở cửa trở lại.”, Rickard Sandberg, thành viên của Ủy ban Giải thưởng Nobel về y học bày tỏ.

Karikó, nhà hóa sinh người Mỹ gốc Hungary và Weissman, bác sĩ người Mỹ, đều là giáo sư tại Đại học Pennsylvania (Upenn). Nghiên cứu của họ đã trở thành nền tảng để Pfizer và đối tác BioNTech có trụ sở tại Đức, cũng như Moderna, sử dụng phương pháp tiếp cận mới để sản xuất vắc xin sử dụng RNA thông tin hay mRNA.

leftcenterrightdel
 Công nghệ mRNA có thể ứng dụng để phát triển vắc xin chống lại các bệnh khác như sốt rét, RSV và HIV. Ảnh: Courtesy Penn Medicine.

Công nghệ mang tính cách mạng đã mở ra một chương mới của y học, có thể ứng dụng để phát triển vắc xin chống lại các bệnh khác như sốt rét, RSV và HIV. Mặt khác, đưa ra một cách tiếp cận mới đối với các bệnh nhiễm trùng như ung thư, với triển vọng tạo ra vắc xin cá nhân hóa cho từng bệnh nhân.

“Tính linh hoạt và tốc độ ấn tượng mà vắc xin mRNA có thể được phát triển sẽ mở đường cho việc sử dụng nền tảng mới cho vắc xin chống lại các bệnh truyền nhiễm khác. Công nghệ này cũng có thể được sử dụng để cung cấp protein trị liệu và điều trị một số loại ung thư.”, Ủy ban Nobel cho biết.

Phó Chủ tịch điều hành của Trường Y UPenn, J. Larry Jameson, ca ngợi công trình có tầm nhìn xa của các nhà khoa học giúp “thay đổi thế giới” và để lại dấu ấn lâu dài trong y học.

Lễ công bố giải thưởng Nobel bắt đầu ở Thụy Điển hôm 2/10 và sẽ tiếp tục trong suốt nửa tháng, với các giải thưởng về vật lý, hóa học, văn học và kinh tế sẽ được công bố trong những ngày tới. Giải Nobel Hòa bình sẽ được công bố tại Na Uy vào ngày 6/10.

Văn Phong/CNN