Ngày 9/10, Ủy ban Nobel Na Uy đã quyết định trao giải Nobel Hòa bình năm 2020 cho Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) vì những nỗ lực của tổ chức này trong việc chống lại nạn đói và những đóng góp trong việc cải thiện điều kiện hòa bình ở các khu vực bị ảnh hưởng bởi xung đột; cũng như  nỗ lực ngăn chặn việc sử dụng nạn đói như một vũ khí chiến tranh và xung đột.

Chương trình Lương thực Thế giới là tổ chức nhân đạo lớn nhất thế giới giải quyết nạn đói và thúc đẩy an ninh lương thực. Vào năm 2019, WFP đã hỗ trợ gần 100 triệu người ở 88 quốc gia là nạn nhân của nạn đói và mất an ninh lương thực nghiêm trọng. 

Đại dịch coronavirus đã góp phần làm tăng mạnh số lượng nạn nhân của nạn đói trên thế giới. Tại các quốc gia như Yemen, Cộng hòa Dân chủ Congo, Nigeria, Nam Sudan và Burkina Faso, sự kết hợp của xung đột bạo lực và đại dịch đã dẫn đến sự gia tăng đáng kể số lượng người sống trên bờ vực của nạn đói. Đối mặt với đại dịch, Chương trình Lương thực Thế giới đã chứng tỏ khả năng ấn tượng trong việc tăng cường nỗ lực của mình. Như chính tổ chức đã tuyên bố, "Cho đến ngày chúng ta có vắc xin y tế, thực phẩm là loại vắc xin tốt nhất chống lại sự hỗn loạn".

leftcenterrightdel

WFP trong một chương trình nhân đạo hỗ trợ người tị nạn. Ảnh: WFP / Henry Bongyereirwe.

Ủy ban Nobel Na Uy muốn nhấn mạnh, việc hỗ trợ tăng cường an ninh lương thực không chỉ ngăn chặn nạn đói mà còn có thể giúp cải thiện triển vọng ổn định và hòa bình. Chương trình Lương thực Thế giới đã đi đầu trong việc kết hợp công tác nhân đạo với các nỗ lực hòa bình thông qua các dự án tiên phong ở Nam Mỹ, châu Phi và châu Á. 

Với giải thưởng năm nay, Ủy ban Nobel Na Uy mong muốn hướng con mắt của thế giới về phía hàng triệu người đang phải chịu đựng hoặc đối mặt với sự đe dọa của nạn đói. Chương trình Lương thực Thế giới đóng một vai trò quan trọng trong hợp tác đa phương nhằm biến an ninh lương thực trở thành một công cụ hòa bình, và đã đóng góp mạnh mẽ trong việc vận động các Quốc gia Thành viên Liên hợp quốc chống lại việc sử dụng nạn đói như một vũ khí chiến tranh và xung đột. 

Tổ chức này đóng góp hàng ngày vào việc thúc đẩy tình huynh đệ của các quốc gia được đề cập trong di chúc của Alfred Nobel. Là cơ quan chuyên môn lớn nhất của LHQ, Chương trình Lương thực Thế giới là một phiên bản hiện đại của các đại hội hòa bình mà Giải Nobel Hòa bình dự định sẽ thúc đẩy.

Huy Anh/Nobelprize