Ngày 30/4, trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình Fox News, Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Keith Kellogg cho biết, ông không cho rằng, Washington sẽ từ bỏ các nỗ lực hòa bình trong cuộc xung đột Ukraine- Nga, bất chấp những đe dọa trước đó từ Nhà Trắng.
“Tôi không nghĩ vậy.”, ông Kellogg nói, trả lời câu hỏi, liệu Mỹ có rời khỏi các cuộc đàm phán hòa bình hướng tới chấm dứt cuộc chiến Ukraine hay không.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Ngoại trưởng Marco Rubio đã dọa rằng, Washignton sẽ từ bỏ nỗ lực làm trung gian cho lệnh ngừng bắn giữa Ukraine - Nga nếu tiến trình này không đạt được tiến triển.
Ông Kellogg cũng cho biết, Ukraine đã chấp nhận nhượng bộ về vấn đề lãnh thổ trước các yêu sách của Nga, để đạt được thỏa thuận.
“Người Ukraine đã nói rằng, họ chấp nhận từ bỏ vùng lãnh thổ (đang do Nga kiểm soát- PV), không phải về mặt pháp lý hay mãi mãi, mà là thừa nhận trên thực tế, vì người Nga thực sự đang chiếm đóng nó.”, ông Kellogg nói, cho biết, ông nhận được câu trả lời này từ phía Ukraine vào tuần trước.
    |
 |
Đặc phái viên Mỹ Kellogg tham dự một cuộc họp tại Nhà Trắng ngày 13/3. Andrew Harnik/Getty. |
Mỹ đã nỗ lực làm trung gian cho một thỏa thuận hòa bình giữa Ukraine và Nga.
Ngày 28/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố lệnh ngừng bắn tạm thời 72 giờ, từ 0h ngày 8/5 đến 0h ngày 11/5, vào dịp Moscow kỷ niệm Ngày Chiến thắng, điều mà một ngày sau, ông Kellogg chỉ trích là đề xuất “phi lý”!.
“Chúng tôi đã có 22 điều khoản cụ thể mà Ukraine đã đồng ý. Những gì họ muốn là một lệnh ngừng bắn toàn diện và lâu dài hướng đến một hiệp ước hòa bình.”, ông Kellogg nói, giải thích, ngừng bắn toàn diện ở đây bao gồm trên biển, trên không và hạ tầng trên bộ trong ít nhất 30 ngày, điều có thể là bước khởi đầu cho một sáng kiến hòa bình quan trọng.
Ông Kellogg cũng lưu ý, lệnh ngừng bắn phải kéo dài ít nhất 30 ngày, đó là điều mà Tổng thống Trump tin rằng nên thực hiện: “Lý do tại sao 30 ngày lại quan trọng, là vì nó ngăn chặn việc giết chóc. Đó là điều mà Tổng thống Trump muốn làm”.
Khi được hỏi liệu ông Putin có sẵn sàng chấp nhận lệnh ngừng bắn như vậy hay không, ông Kellogg cho biết, điều đó tùy thuộc vào nhà lãnh đạo Nga: “Nếu ông ấy thực sự muốn chấm dứt việc giết chóc và muốn cuộc chiến này kết thúc, thì có một con đường đã được đưa ra cho ông ấy”.
    |
 |
Tổng thống Ukraine Zelensky và Đặc phái viên Mỹ Kellogg, tại Kyiv, ngày 20/3. Nguồn: president.gov.ua. |
Hai ông Zelensky và Trump đã gặp nhau tại Vatican bên lề lễ tang của Giáo hoàng Francis vào ngày 26/4, cuộc gặp mà ông Kellogg mô tả là tích cực, trong đó những gì người Ukraine đưa ra “đều rất mang tính xây dựng”.
Đặc phái viên Kellogg cho biết, Mỹ có thể chấp nhận một phần với các yêu sách tối đa của Nga đối với Ukraine để đạt được giải pháp.
“Mọi người không hiểu được cuộc chiến này khốc liệt đến mức nào. Chỉ tính riêng số binh sĩ, của Ukraine và Nga tử trận và bị thương, đã lên tới hơn 1,2 triệu người, một con số chưa từng thấy.”, ông Kellogg lưu ý.
Các quan chức Mỹ, Anh, Đức, Pháp và Ukraine đã có cuộc gặp tại London vào ngày 23/4 để thảo luận về con đường chấm dứt chiến tranh Nga - Ukraine. Sau cuộc gặp, Ukraine nhấn mạnh sẵn sàng ngừng bắn ngay lập tức, toàn diện và vô điều kiện.
Trước đó, ngày 11/3, Ukraine đã đồng ý với lệnh ngừng bắn toàn diện trong 30 ngày do Mỹ đề xuất, tuyên bố Kyiv đã sẵn sàng nếu Nga cũng đồng ý với các điều khoản. Tuy vậy, cho đến nay, Moscow vẫn từ chối.