leftcenterrightdel
 Trụ sở Công ty dược phẩm và chế phẩm sinh học đa quốc gia AstraZeneca ở Macclesfield, Cheshire (Anh) ngày 21/7/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Kế hoạch phân phối vaccine được đưa ra trong bối cảnh các nước có thu nhập thấp bị tụt lại phía sau trong cuộc đua tiêm chủng phòng COVID-19 - một vấn đề mà COVAX đặt mục tiêu giải quyết. Theo kế hoạch, đợt phân phối vaccine đầu tiên với 337,2 triệu liều sẽ được thực hiện vào cuối tháng này. Tuyên bố của COVAX cũng cho biết đợt phân phối đầu tiên này phù hợp với mục tiêu "bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương nhất, như các nhân viên y tế" trong nửa đầu năm nay. 

Phát biểu tại họp báo, Giám đốc điều hành liên minh vaccine GAVI cho biết: "Chúng tôi sẽ sớm khởi động việc phân phối vaccine toàn cầu - điều rất quan trọng để chúng ta có cơ hội đánh bại đại dịch".

Các nước sẽ nhận vaccine theo tỷ lệ quy mô dân số. Ấn Độ sẽ nhận được nhiều nhất với 97,2 triệu liều, Pakistan 17,2 triệu liều, Nigeria 16 triệu, Indonesa 13,7 triệu, Bangladesh 12,8 triệu và Brazil 10,6 triệu liều. Một số nước khác cũng nhận được nhiều vaccine như Ethiopia 8,9 triệu liều, CHDC Congo 6,9 triệu liều, Mexico 6,5 triệu, Philippines 5,6 triệu và Ai Cập 5,1 triệu liều. Tuvalu là nước nhận ít nhất với 4.800 liều, trong khi Monaco nhận 7.200 liều. Ngoài ra, một số nước có khả năng tự chủ tài chính cũng nằm trong danh sách này, như Hàn Quốc (2,6 triệu liều), Canada (1,9 triệu liều) và New Zealand (250.000 liều).

Tổng cộng khoảng 190 quốc gia sẽ được phân phối trong đợt đầu. Khoảng 145 nước dự kiến sẽ nhận đủ số liều để đảm bảo miễn dịch cho 3,3% dân số vào giữa năm nay. Những nước không nằm trong danh sách lần này có thể vì không tham gia cơ chế COVAX. Mục tiêu COVAX đặt ra là đảm bảo từ nay đến hết năm 2021 sẽ đủ vaccine cho ít nhất 20% nhóm người dễ bị tổn thương nhất tại các quốc gia đã đăng ký.

Hai loại vaccine được sử dụng phân phối đợt đầu, gồm vaccine của AstraZeneca-Oxford và vaccine của Pfizer-BioNTech. Cả hai loại vaccine này đều cần tiêm 2 liều. Hiện chỉ vaccine của Pfizer-BioNTech, vốn đòi hỏi bảo quản ở nhiệt độ đặc biệt thấp, được WHO phê duyệt sử dụng khẩn cấp. WHO đang đánh giá hiệu quả vaccine của AstraZeneca-Oxford.

Vaccine của Pfizer-BioNTech sẽ được đưa tới 18 nước vào cuối tháng 3 tới, trong đó các nước Colombia, Peru, Philippines, Nam Phi, Hàn Quốc và Ukraine sẽ nhận gần 117.000 liều mỗi nước. Các nước tiếp theo là Bhutan, Bolivia, Bosnia & Herzegovina, Cape Verde, El Salvador, Gruzia, Maldives, Moldova, Mông Cổ, Các vùng lãnh thổ Palestine, Rwanda và Tunisia.

Người điều phối chương trình miễn dịch cộng đồng của WHO Ann Lindstrand cho biết ưu tiên là giao vaccine cho những nước vẫn chưa bắt đầu tiêm phòng, đồng thời cân nhắc số nhân viên y tế tử vong vì dịch trong tháng 1. Danh sách đợt đầu sẽ có thể thay đổi nhưng cần đảm bảo để các nước có thể lên kế hoạch trước.

Một cuộc thăm dò niềm tin đối với vaccine toàn cầu công bố ngày 4/2 cho thấy tỷ lệ những người mong muốn tiêm phòng COVID-19 trên thế giới đang tăng cao và hơn 50% số người được hỏi cho biết sẽ tiêm nếu có vaccine ngay tuần tới. Anh là nước có nhiều người sẵn sàng tiêm nhất, với 78%, sau đó là Đan Mạch với 67%. Người dân ở nhiều nước châu Âu đang ngày càng tin tưởng vào hiệu quả của việc tiêm phòng. Nhìn chung, lòng tin đối với vaccine cao hơn so với cuộc thăm dò tương tự hồi tháng 11/2020, trong đó chỉ 40% người được hỏi cho biết sẽ tiêm phòng nếu có vaccine.

Thăm dò do YouGov và Viện Đổi mới Y tế toàn cầu (IGHI) của đại học Imperial College London tiến hành.

Theo TTXVN