Chuyến tàu đặc biệt của ông Kim khởi hành đến Nga vào sáng nay, Thông tấn Trung ương CHDCND Triều Tiên (KCNA) đưa tin. KCNA không nêu rõ điểm xuất phát và điểm đến của đoàn tàu.
Trước đó, Điện Kremlin thông báo Hội nghị Thượng đỉnh sẽ được tổ chức ở thành phố Vladivostok thuộc miền Viễn Đông nước Nga vào ngày 25/4.
Nếu tàu khởi hành từ Bình Nhưỡng, nó sẽ chạy khoảng 20 giờ để đến Vladivostok.
Đoàn tàu của ông Kim dự kiến sẽ chạy trên tuyến đường sắt nối thành phố Rason, miền Đông Bắc CHDCND Triều Tiên với thành phố biên giới Khasan của Nga. Truyền thông Nga đưa tin Chủ tịch Kim sẽ đến Vladivostok vào đêm khuya ngày 24/4 và lưu trú cho chuyến công tác đặc biệt đến ngày 26/4.
Các quan chức tháp tùng Chủ tịch Kim gồm có: Kim Phyong-hae, O Su-yong, Ri Yong-ho, Ri Yong-gil và Choe Son-hui. KCNA không đề cập liệu đệ nhất phu nhân Ri Sol-ju có trên chuyến tàu.
Kim Yong-chol, một trong những nhà đàm phán hạt nhân hàng đầu của CHDCND Triều Tiên đã tham gia nhiều phiên đàm phán với Nga cũng không được nhắc đến. Đây là lần đầu tiên, ông không tháp tùng lãnh đạo trong chuyến công tác nước ngoài.
Ngày 23/4, KCNA đưa tin ông Kim sẽ sớm thăm nước Nga và tổ chức đàm phán cấp cao với Tổng thông Putin nhưng không nêu thông tin chi tiết về thời gian và địa điểm cuộc họp diễn ra.
|
|
Chủ tịch CHDCND Triều Tiên đã bắt đầu chuyến thăm Nga vào sáng 24/4. Ảnh: KCNA |
Hội nghị Thượng đỉnh sắp tới sẽ là cuộc họp đầu tiên giữa lãnh đạo hai nước trong 8 năm, sau khi thân phụ quá cố của ông Kim, cựu Chủ tịch Kim Jong-il gặp Tổng thống Nga Dmitry Medvedev lúc bấy giờ vào năm 2011.
Nó cũng đánh dấu chuyến công tác nước ngoài đặc biệt lần thứ 3 của ông Kim sau khi tham dự Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ nhất ở Singapore và Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 2 ở Việt Nam với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Hội nghị Hà Nội kết thúc với niềm tin tưởng lớn lao, giúp hai nhà lãnh đạo hiểu nhau hơn, đặc biệt ông Trump đã ra lệnh rút lại các biện pháp trừng phạt bổ sung tạo tiền đề cho các cuộc đàm phán hướng đến mục tiêu cuối cùng là phi hạt nhân hóa toàn diện trên bán đảo Triều Tiên.
CHDCND Triều Tiên đang tích cực tăng cường quan hệ ngoại giao với các quốc gia có truyền thống hữu nghị, bao gồm Nga, Việt Nam và Trung Quốc kể từ trước Hội nghị ở Hà Nội, một động thái khôn ngoan mà các chuyên gia đánh giá là nỗ lực tích cực đảm bảo sự ủng hộ đối với đàm phán hạt nhân với phía Mỹ.
Điện Kremlin cho biết Phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên sẽ là đầu mục trong chương trình nghị sự cấp cao được thảo luận tại Hội nghị Thượng đỉnh.
Các nhà quan sát suy đoán Chủ tịch Kim và Tổng thống Putin cũng dự kiến thảo luận sâu rộng về hợp tác kinh tế giữa 2 nước tại Hội nghị lần này.