Ấn Độ phóng thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có khả năng hạt nhân đầu tiên
Cập nhật lúc 10:09, Thứ năm, 28/10/2021 (GMT+7)
Tên lửa Agni 5 có thể mang trọng tải 1,5 tấn, sử dụng động cơ nhiên liệu rắn ba tầng, có khả năng tấn công mục tiêu ở phạm vi lên tới 5.000 km với độ chính xác cao.
Hôm 27/10, Bộ tư lệnh Lực lượng chiến lược- Quân đội Ấn Độ đã thử nghiệm thành công tên lửa tầm xa nhất của nước này, Agni 5, tầm bắn 5.000km, có thể vươn tới tất cả các quốc gia châu Á và một số khu vực của châu Phi và châu Âu.
Vụ phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), Agni-5, được thực hiện vào khoảng 19h50’giờ địa phương từ hòn đảo APJ Abdul Kalam, ngoài khơi bờ biển bang Odisha.
Theo Bộ Quốc phòng Ấn Độ, vụ thử nghiệm phù hợp với chính sách của nước này nhằm bảo đảm "khả năng răn đe tối thiểu đáng tin cậy" làm cơ sở cho cam kết không là bên sử dụng vũ khí hạt nhân trước
|
|
Tên lửa Agni-5. Ảnh: PTI. |
“Tên lửa do Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO) chế tạo, sử dụng động cơ nhiên liệu rắn ba tầng, có khả năng tấn công mục tiêu ở phạm vi lên tới 5.000 km với độ chính xác rất cao.”, tuyên bố viết.
Với việc thử nghiệm thành công tên lửa nhiên liệu rắn, có thể mang trọng tải 1,5 tấn, Ấn Độ đã trở thành quốc gia thứ 8 có khả năng phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, tiếp theo Mỹ, Anh, Nga, Trung Quốc, Pháp, Israel và Triều Tiên.
Vụ thử ICBM đầu tiên của Ấn Độ được thực hiện vào tháng 4/2012 trong khi vụ thử gần đây nhất được cho đã tiến hành cách đây khoảng 3 năm.
Văn Phong/Sputnik, Indiatoday