Các nhà thiên văn học đã phát hiện ra một vụ bùng nổ sóng vô tuyến bí ẩn phải mất 8 tỉ năm mới đến được Trái đất, là vụ bùng phát sóng vô tuyến nhanh xa nhất và mạnh mẽ nhất từng được phát hiện.

Hiện tượng bùng phát sóng vô tuyến nhanh (FRB) là những đợt bùng phát sóng vô tuyến cường độ cực cao trong vũ trụ, kéo dài trong thời gian rất ngắn chỉ phần nghìn giây và chưa rõ nguồn gốc. 

FRB đầu tiên được phát hiện vào năm 2007, kể từ đó, hàng trăm tia chớp vũ trụ dạng này đã được phát hiện đến từ các điểm xa xôi trong vũ trụ.

Theo một nghiên cứu được công bố hôm 19/10 trên tạp chí Science, vụ nổ có tên FRB 20220610A kéo dài chưa đầy một phần nghìn giây, giải phóng lượng năng lượng tương đương 30 năm hoạt động của Mặt trời.

Nhiều FRB giải phóng sóng vô tuyến siêu sáng kéo dài tối đa chỉ vài mili giây trước khi biến mất, khiến cho các vụ bùng phát sóng vô tuyến nhanh rất khó quan sát được.

Kính viễn vọng vô tuyến đã giúp các nhà thiên văn học theo dõi những tia chớp vũ trụ cực nhanh này, bao gồm cả hệ thống kính thiên văn vô tuyến ASKAP ở Wajarri Yamaji, bang Tây Úc, Australia. 

Các nhà thiên văn học đã sử dụng ASKAP để phát hiện FRB vào tháng 6/2022 và xác định nguồn gốc của nó.

“Sử dụng hệ thống đĩa vô tuyến của ASKAP, chúng tôi có thể xác định chính xác nơi vụ nổ đến từ đâu. Sau đó, chúng tôi sử dụng kính thiên văn cực lớn của Đài quan sát phía nam châu Âu ở Chile để tìm kiếm , nhận thấy FRB trải qua một hành trình lâu nhất và xa hơn bất kỳ nguồn FRB nào khác được tìm thấy cho đến nay và có khả năng nằm trong một nhóm nhỏ các thiên hà đang hợp nhất.”, đồng tác giả nghiên cứu, Tiến sĩ Stuart Ryder, nhà thiên văn học tại Đại học Macquarie, Úc, cho biết.

leftcenterrightdel
 Minh họa đường đi của một vụ bùng phát vô tuyến nhanh từ các thiên hà xa xôi đến Trái đất sau 8 tỉ năm. Nguồn: ESO/M. Kornmesser.

Nhóm nghiên cứu đã lần theo dấu vết của vụ bùng nổ, xác định dường như nó đến từ một nhóm vài ba thiên hà đang trong quá trình hợp nhất, tương tác và hình thành các ngôi sao mới. 

Phát hiện này phù hợp với các lý thuyết hiện tại cho rằng, các vụ bùng phát vô tuyến nhanh có thể đến từ các sao từ hoặc các vật thể có năng lượng cao phát sinh từ vụ nổ của các ngôi sao.

Các nhà khoa học tin rằng các vụ bùng phát sóng vô tuyến nhanh có thể là một phương pháp độc đáo có thể dùng để “cân” vũ trụ bằng cách đo vật chất giữa các thiên hà, điều cho đến nay vẫn chưa được xác định.

“Các vụ bùng phát sóng vô tuyến nhanh sẽ nhận diện được vật liệu bị ion hóa này. Ngay cả trong không gian gần như trống rỗng, chúng vẫn có thể 'nhìn thấy' tất cả các electron và điều đó cho phép chúng ta đo được lượng vật chất giữa các thiên hà.”, Ryan Shannon, đồng tác giả nghiên cứu, giáo sư tại Đại học Swinburne, cho biết.

Gần 50 vụ bùng phát sóng vô tuyến nhanh đã được truy tìm từ điểm xuất phát của chúng và khoảng một nửa trong số đó đã được tìm thấy bởi ASKAP.

“Mặc dù chúng ta vẫn chưa biết nguyên nhân gây ra những vụ giải phóng năng lượng khổng lồ này nhưng báo cáo xác nhận rằng các vụ bùng phát sóng vô tuyến nhanh là những sự kiện phổ biến trong vũ trụ và chúng ta sẽ có thể sử dụng chúng để phát hiện vật chất giữa các thiên hà và hiểu rõ hơn về cấu trúc của vũ trụ.”, giáo sư Shannon nói.

Các nhà thiên văn học hy vọng các kính viễn vọng vô tuyến trong tương lai, hiện đang được xây dựng ở Nam Phi và Úc, sẽ cho phép phát hiện thêm hàng nghìn vụ bùng phát vô tuyến nhanh ở khoảng cách xa hơn.

Văn Phong (theo CNN)