Hôm 12/5, các nhà thiên văn học thuộc dự án hợp tác nghiên cứu toàn cầu có tên Kính thiên văn Chân trời Sự kiện (EHT), đã công bố hình ảnh đầu tiên về một lỗ đen siêu lớn, được gọi là Nhân Mã A (Sgr A) ở trung tâm của Dải Ngân hà của chúng ta. 

Kết quả này cung cấp nhiều bằng chứng cho thấy vật thể thực sự là một lỗ đen và mang lại những manh mối có giá trị về hoạt động của những vật thể khổng lồ này, được cho là nằm ở trung tâm của hầu hết các thiên hà. 

leftcenterrightdel
Lỗ đen Nhân Mã A nằm ở trung tâm Dải Ngân Hà của chúng ta. Nguồn: @chandraxray.

Hình ảnh được tạo ra bởi nỗ lực của hơn 300 nhà khoa học từ 80 viện nghiên cứu thiên văn toàn cầu trong nhóm EHT, sử dụng các quan sát từ một mạng lưới kính thiên văn vô tuyến trên toàn thế giới.

Trước đây, các nhà khoa học đã từng nhìn thấy các ngôi sao quay xung quanh một vật thể khổng lồ vô hình ở trung tâm của Dải Ngân hà. 

leftcenterrightdel
Lỗ đen Nhân Mã A được phóng lớn. Nguồn: EHT.

Trên thực tế chúng ta không thể nhìn thấy bản thân lỗ đen bởi chúng hoàn toàn tối, chỉ có thể nhận thấy dấu hiệu của nó bởi một quầng sáng bao quanh một vùng trung tâm tối, là kết quả của hiện tượng ánh sáng bị bẻ cong bởi lực hấp dẫn mạnh mẽ của lỗ đen, có khối lượng gấp 4 triệu lần Mặt trời.

“Chúng tôi đã rất ngạc nhiên khi thấy kích thước của quầng sáng phù hợp với dự đoán từ Thuyết tương đối tổng quát của Einstein. Những quan sát chưa từng có này đã cải thiện đáng kể sự hiểu biết về những gì xảy ra ở chính trung tâm của thiên hà của chúng ta và cung cấp những hiểu biết mới về cách các lỗ đen khổng lồ này tương tác với môi trường xung quanh chúng.”, nhà khoa học Geoffrey Bower của Dự án EHT đến từ Viện Thiên văn và vật lý thiên văn Academia Sinica, Đài Bắc cho biết.

leftcenterrightdel
Bản thân lỗ đen không thể nhìn thấy bởi nó lẫn với bóng tối của vũ trụ, chỉ có thể nhận biết dấu hiệu của chúng bởi quầng sáng bao quanh. Ảnh cắt từ video, nguồn: Alja.

Lỗ đen cách Trái đất khoảng 27.000 năm ánh sáng. Để mô tả nó, nhóm EHT đã liên kết 8 đài quan sát vô tuyến hiện có trên hành tinh để tạo thành một kính thiên văn ảo duy nhất và tiến hành quét lỗ đen liên tục trong nhiều giờ.

Đây được cho là bước đột phá tiếp theo sau khi vào năm 2019, EHT đã lần đầu chụp được hình ảnh của một lỗ đen ở thiên hà Messier 87 (M87) cách Trái Đất 55 triệu năm ánh sáng.

leftcenterrightdel
Hai lỗ đen M87 và Nhân Mã A. Nguồn: ESO. 

Hai lỗ đen được nói khá giống nhau, mặc dù lỗ đen của Dải Ngân hà nhỏ hơn một nghìn lần và ít khối lượng hơn M87. 

Phát hiện về lỗ đen mới cho phép các nhà thiên văn có thể nghiên cứu sự khác biệt giữa các lỗ đen siêu lớn để tìm kiếm những manh mối mới có giá trị về cách thức hoạt động của chúng.

Văn Phong/EHT