Tàu vũ trụ Orion, hay nói chính xác hơn là khoang chứa phi hành đoàn hình giọt nước, mang theo một phi hành đoàn mô phỏng gồm 3 ma nơ canh được gắn các cảm biến thí nghiệm đã lao xuống biển Thái Bình Dương nhờ sự hỗ trợ của hệ thống dù, lúc 17h40’, ngày 11/12, giờ GMT (0h40’, ngày 12/12, giờ Việt Nam) ngoài khơi bán đảo Baja California, tây bắc Mexico.

"Đây là một sứ mệnh đầy thách thức và nó đã thành công.”,  Mike Sarafin, người quản lý sứ mệnh Artemis I của NASA nói với truyền thông ngay sau khi Orion hạ cánh; lưu ý, nhóm của ông không nhận thấy ngay bất kỳ vấn đề nào về cú hạ cánh của Orion từ không gian.

Vài giờ sau khi tiếp đất, tàu Orion được cẩu lên một tàu Hải quân Mỹ để trở về San Diego, California.

leftcenterrightdel
 Khoang phi hành đoàn của Tàu vũ trụ Orion rơi xuống mặt biển nhờ sự hỗ trợ của hệ thông dù. Ảnh: NASA.
leftcenterrightdel
 Cận cảnh khoang phi hành đoàn của Tàu vũ trụ Orio. Ảnh: NASA.

Trước khi khoang phi hành đoàn lao vào bầu khí quyển Trái đất, mô đun chứa hệ thống đẩy của tàu vũ trụ Orion đã được loại bỏ.

Sự trở lại của tàu vũ trụ Orion kết thúc sứ mệnh đầu tiên (Artemis I) kéo dài 25 ngày, trong sứ mệnh Artemis, đưa con người trở lại Mặt trăng.

Orion đã bay xung quanh Mặt trăng ở độ cao cách bề mặt thiên thể này 127 km và đạt đến điểm xa nhất trong không gian, gần 434.500 km từ Trái đất.

leftcenterrightdel
 Tàu vũ trụ Orion đối diện với Mặt trăng trước khi trở về Trái đất. Ảnh: NASA.

Quá trình trở lại, Orion trải qua khoảng 20 phút bị nung nóng khi di chuyển trong bầu khí quyển Trái đất do ma sát, khiến tấm chắn nhiệt nóng đến 2.760 độ C.

Ma sát khí quyển đã làm giảm tốc độ của Orion từ 39.400 km/h xuống 523 km/h, sau đó những chiếc dù được bung ra, giúp tốc độ giảm xuống 32 km/h khi rơi xuống mặt biển, tốc độ được cho là hoàn hảo.

Tàu Orion (gắn trên đỉnh hệ thống Phóng Không gian (SLS) hay tên lửa đẩy vũ trụ Mặt trăng thế hệ mới và mạnh nhất của Cơ quan Vũ trụ Mỹ NASA sau tên lửa Saturn V) đã cất cánh vào ngày 16/11 từ Trung tâm vũ trụ Kennedy ở Cape Canaveral, Florida.

leftcenterrightdel
 Tàu vũ trụ Orion hướng đến Mặt trăng. Ảnh: NASA.
leftcenterrightdel
 Tàu vũ trụ Orion bay quanh Mặt trăng ở độ cao cách bề mặt thiên thể này 127 km. Ảnh: NASA.

Chuyến đi đầu tiên của SLS-Orion đã khởi động sứ mệnh tiếp theo (Artemis), sau chương trình Apollo nửa thế kỷ trước, nhằm đưa con người trở lại bề mặt Mặt trăng trong thập kỷ này và thiết lập một căn cứ bền vững tại đây, như một bước đệm cho sứ mệnh chinh phục Sao Hỏa của con người trong tương lai.

Được đặt theo tên Nữ thần Artemis, người chị song sinh của thần ánh sáng Apollo trong thần thoại Hy Lạp cổ đại, sứ mệnh Artemis đặt mục tiêu đưa con người trở lại Mặt trăng sớm nhất là vào năm 2025.

leftcenterrightdel
 Video khoảnh khắc Orion rơi xuống Thái Bình Dương. Nguồn: NASA.

Việc phóng SLS là bước quan trọng đầu tiên (Artemis I), nhằm đưa tàu vũ trụ Orion nặng gần 2,6 tấn lên quỹ đạo Mặt trăng và trở về Trái đất, một chuyến bay thử nghiệm khả năng chịu tải của tàu vũ trụ cũng như đo mức độ bức xạ và những tác động khác mà các phi hành gia sẽ phải trải qua thông qua các cảm biến gắn trên mô hình.

leftcenterrightdel
 Khoang phi hành đoàn của Tàu vũ trụ Orion. Ảnh: NASA.
leftcenterrightdel
 Mô đun chứa hệ thống đẩy của Tàu vũ trụ Orion. Ảnh: NASA.

NASA coi việc tái nhập bầu khí quyển để trở lại Trái đất là giai đoạn quan trọng nhất trong hành trình của Orion. Do vậy, mục tiêu hàng đầu của sứ mệnh Artemis I là kiểm tra khả năng của tấm chắn nhiệt mới được thiết kế của Orion có thể chịu được ma sát khí quyển làm tăng nhiệt độ bên ngoài tàu vũ trụ lên gần 2.760 độ C và bảo vệ an toàn các phi hành gia hay không.

Sau chuyến bay thử nghiệm Artemis I, bước tiếp theo Artemis II sẽ đưa phi hành đoàn bay quanh quỹ đạo Mặt trăng vào năm 2024

Artemis III, dự kiến vào cuối năm 2025 với mục tiêu đưa người phụ nữ đầu tiên và người da màu đầu tiên tiếp cận cực nam chưa từng được khám phá của Mặt trăng, nơi các miệng núi lửa bị che khuất khi nhìn từ Trái đất, được cho là chứa băng và các nguồn tài nguyên khác có thể nuôi sống các phi hành gia trong những chuyến du hành dài ngày trên Mặt trăng trong tương lai.

leftcenterrightdel
 Sứ mệnh Artemis I nhằm thử nghiệm khả năng chịu đựng của tấm chắn nhiệt bọc khoang phi hành đoàn khi bị đốt nóng trong quá trình lao vào bầu khí quyền Trái đất để hạ cánh. Ảnh: NASA.
leftcenterrightdel
 Bề mặt Mặt trăng cực nét nhìn từ Tàu vũ trụ Orion. Ảnh: NASA.

Mặc dù Orion gặp phải một số sự cố mất liên lạc đột ngột và sự cố về điện trong chuyến hành trình quanh Mặt trăng, NASA đã đánh giá cao hiệu suất “vượt quá mong đợi” của cả SLS và Orion; đánh giá sứ mệnh đã thành công mỹ mãn.

Ngẫu nhiên, sự trở lại Trái đất của Artemis I diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm cuộc đổ bộ lên Mặt trăng của tàu Apollo 17 của hai phi hành gia Gene Cernan và Harrison Schmitt vào ngày 11/12/1972. Họ là những người cuối cùng trong số 12 phi hành gia của NASA đi bộ trên Mặt trăng trong tổng số 6 sứ mệnh Apollo bắt đầu từ năm 1969.

So với Apollo, vốn ra đời từ cuộc chạy đua vũ trụ giữa Mỹ và Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh, Artemis đặt trọng tâm hướng đến mục tiêu khoa học và có phạm vi rộng hơn, thu hút được các đối tác thương mại như Tập đoàn Công nghệ Khai phá Không gian SpaceX của tỉ phú Elon Musk và các cơ quan vũ trụ của Châu Âu, Canada và Nhật Bản.

Văn Phong/Reuters, NASA