Chuẩn bị thu hoạch cải củ trên trạm Vũ trụ Quốc tế
Phi hành gia NASA Kate Rubins vừa công bố bức ảnh có tính cột mốc trong thí nghiệm mang tên Plant Habitat-02 (PH-02) trên Trạm Vũ trụ Quốc tế.
Thí nghiệm nghiên cứu sự phát triển cải củ trong môi trường vi trọng lực. NASA đã chọn cải củ vì nó là một loại cây phổ biến vừa bổ dưỡng vừa có thể ăn được, thời gian canh tác ngắn và giống với cây Arabidopsis, một loại cây họ cải khác là thường được nghiên cứu trong môi trường vi trọng lực.
Chu kỳ canh tác của thí nghiệm là 27 ngày, trong đó buồng sinh trưởng có đèn LED, vật liệu đất sét xốp và một hệ thống điều tiết phân bón, nước, chất dinh dưỡng và oxy trực tiếp đến rễ cây.
|
|
Lúa mì trong thí nghiệm trên Trạm vũ trụ Quốc tế. Ảnh: NASA. |
Máy ảnh và hơn 180 cảm biến trong buồng thí nghiệm cho phép các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Không gian Kennedy của NASA ở Florida theo dõi sự phát triển của cây, cũng như điều chỉnh các điều kiện như phân phối nước, độ ẩm và nhiệt độ.
Phi hành đoàn trên phòng thí nghiệm quỹ đạo dự kiến sẽ thu hoạch cải vào cuối tháng này. Sau đó, các mẫu sẽ được gửi về Trái đất để phân tích.
Tự chủ rau xanh trong các sứ mệnh dài ngày trên Sao Hỏa
Với kế hoạch khám phá Mặt trăng và một ngày nào đó là Sao Hỏa, NASA đang đặt mục tiêu tự cung tự cấp nguồn rau sạch trong không gian cho phi hành đoàn trong các nhiệm vụ dài ngày.
|
|
Thí nghiệm trồng cải trong môi trường không trọng lượng trên Trạm vũ trụ Quốc tế. Ảnh: NASA. |
Là một phần của chương trình Artemis, NASA có kế hoạch thiết lập hoạt động thám hiểm bền vững trên và xung quanh Mặt trăng vào cuối thập kỷ này và sẽ có thể gửi vật tư thiết yếu cho phi hành đoàn từ Trái đất.
Các phi hành gia tương lai tới sao Hỏa sẽ du hành khoảng hai năm trước khi trở về Trái đất và sẽ phải mang theo tất cả các vật dụng họ cần trong suốt thời gian thực hiện sứ mệnh.
Học cách trồng thực phẩm trên trạm vũ trụ sẽ giúp xác định loại thực vật nào phát triển tốt nhất trong môi trường không trọng lực và cung cấp sự đa dạng và cân bằng dinh dưỡng tốt nhất cho thực đơn trên sao Hỏa.