Các nhà khoa học đang cố gắng giải mã các bí ẩn của Sao Mộc, hành tinh khí lớn nhất trong Hệ Mặt trời, bao gồm cả những cơn bão khổng lồ duy trì liên tục từ xa xưa với những dải mây cuồn cuộn trong bầu khí quyển của nó.

Trên Sao Mộc, các tia sét xuất hiện từ các đám mây chứa amoniac và nước và chúng xảy ra thường xuyên nhất ở gần các cực của hành tinh.

Tàu vũ trụ Juno lần đầu tiên tiếp cận để quan sát Sao Mộc và các mặt trăng của nó vào tháng 7/2016, sau hành trình kéo dài 5 năm vượt qua 2.800 triệu km.

Nó đã chụp được tia sét trong chuyến bay áp sát thứ 31 vào ngày 30/12/2020, khi cách các đám mây khoảng 32.000 km.

leftcenterrightdel
 Tàu vũ trụ Juno chụp được tia sét bí ẩn bên trong một cơn bão trên Sao Mộc. Nguồn: NASA.

Quỹ đạo của Juno quanh Sao Mộc đang dần dịch chuyển gần hành tinh hơn và sẽ đi qua mặt tối của nó trong những tháng tới, cho phép có nhiều cơ hội để theo dõi tia sét trên hành tinh khí khổng lồ.

“Cùng với việc liên tục thay đổi quỹ đạo để tạo ra những góc nhìn mới về Sao Mộc và bay thấp qua mặt tối của hành tinh, tàu vũ trụ cũng sẽ luồn lách giữa các vành đai mây của Sao Mộc để tìm hiểu thêm về nguồn gốc và thành phần của chúng.”, Matthew Johnson- quyền Giám đốc dự án sứ mệnh Juno tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy phản lực của NASA ở Pasadena, California, Mỹ cho biết.

Juno được trang bị nhiều thiết bị có thể phát hiện bên dưới lớp mây dày trên Sao Mộc để thu thập dữ liệu về nguồn gốc, bầu khí quyển và các hiện tượng thời tiết của hành tinh.

leftcenterrightdel
 Tàu vũ trụ Juno quay quanh quỹ đạo Sao Mộc. Kevin Gill/Wikimedia.

Tàu vũ trụ Juno đã thực hiện hơn 50 lần bay ngang qua Sao Mộc và cũng đã thực hiện các chuyến bay gần qua 3 trong số các mặt trăng lớn nhất của Sao Mộc, gồm Europa, Ganymede và Io.

“Các chuyến bay sắp tới của chúng tôi vào tháng 7 và tháng 10 sẽ đưa tàu vũ trụ đến gần hơn nữa, dẫn đến cuộc chạm trán kép của chúng tôi với mặt trăng Io vào tháng 12 năm nay và tháng 2 năm sau, ở khoảng cách chỉ khoảng 1.500 km. Tất cả những chuyến bay này mang đến những góc nhìn ngoạn mục về hoạt động núi lửa của mặt trăng tuyệt vời này. Dữ liệu sẽ rất thú vị.”, Scott Bolton, nhà nghiên cứu chính của sứ mệnh Juno từ Viện Nghiên cứu Tây Nam ở San Antonio, nói.

Theo NASA, trong sứ mệnh mở rộng của mình, Juno sẽ tiếp tục khám phá Sao Mộc cho đến tháng 9/2025 hoặc cho đến khi tàu vũ trụ hết tuổi thọ. 

Văn Phong/NASA, CNN