Khoảnh khắc hiếm hoi một thiên thể đâm vào Sao Mộc
Cập nhật lúc 09:38, Thứ ba, 21/09/2021 (GMT+7)
Một tia lửa lóe sáng đã được các nhà khoa học quan sát trên Sao Mộc, khả năng là hiệu ứng của một vụ va chạm với sao chổi, thông tin đăng tải trên Phys.org.
Một tia sáng trên Sao Mộc đã được quan sát và ghi nhận vào ngày 13/9, lần đầu được công bố bởi nhà thiên văn nghiệp dư Brazil, Jose Luis Pereira.
Thông tin được xác nhận một ngày sau đó bởi nhà thiên văn Đức, Harald Paleseke. Cả hai đều ghi được những hình ảnh về sự kiện hiếm trên Sao Mộc và công bố với cộng đồng khoa học để nghiên cứu.
Mark Delcroix, nhà nghiên cứu cấp cao tại Phòng thí nghiệm Khoa học Truyền thông NTT, Kyoto, Nhật Bản, cho rằng, vật thể va vào hành tinh lớn nhất trong Hệ Mặt trời có thể là tàn tích của một sao chổi hoặc một tiểu hành tinh. Thiên thể, có lẽ, đã bị “hút” bởi lực hấp dẫn của Sao Mộc và sau đó tan rã thành nhiều phần.
|
|
Đã có 8 vụ va chạm đã được các nhà thiên văn học ghi nhận trên sao Mộc, kể từ tháng 7/1994. Ảnh minh họa: K.Suda. |
"Vụ va chạm này có thể là vụ va chạm sáng nhất mà các nhà thiên văn nghiệp dư từng quan sát được kể từ năm 1994.", nhà thiên văn học Delcroix cho biết.
Theo Sky & Telescope, nếu được xác nhận, đây sẽ là vụ va chạm thứ 8 được ghi nhận tại Sao Mộc, kể từ lần đầu tiên vào tháng 7/1994, khi các mảnh vỡ của sao chổi Shoemaker-Levy 9 đâm vào Mộc tinh.
|
|
Vụ va chạm trên sao Mộc vừa được các nhà thiên văn học ghi lại. Nguồn video: Jose Luis Pereira/YouTube. |
Theo Nasa, sao chổi Shoemaker-Levy 9 được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1993, đã bị vỡ thành 20 mảnh bay quanh quỹ đạo Sao Mộc trong hai năm.
Các mảnh vỡ đập vào Sao Mộc với sức mạnh của 300 triệu quả bom nguyên tử tạo ra những cột khói khổng lồ cao từ 2.000 - 3.000km và đốt nóng bầu khí quyển với nhiệt độ cao tới 30.000 - 40.000 độ C.
Huy Anh/RIA, Indiatoday