Tảng băng trôi lớn nhất thế giới vừa tách ra từ Nam Cực
Cập nhật lúc 16:39, Thứ sáu, 21/05/2021 (GMT+7)
Tảng băng khổng lồ A-76 có diện tích 4.320km2, lớn hơn cả đảo Majorca của Tây Ban Nha đã tách khỏi thềm băng Ronne ở Biển Weddell, Nam Cực, trở thành tảng băng trôi lớn nhất trên thế giới, theo Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA).
Trong một thông cáo hôm 19/5, ESA cho biết, tảng băng khổng lồ mới tách ra được đặt tên là A-76, đã được phát hiện trong các bức ảnh gần đây được chụp bởi vệ tinh Copernicus Sentinel-1.
Diện tích bề mặt của tảng băng lên đến 4.320km2, dài 175km, rộng 25km, lớn hơn cả đảo Majorca, Tây Ban Nha có diện tích là 3.640km2.
Tảng băng A-76 vỡ ra khỏi thềm băng của Nam Cực được quan sát ngày 13/5, hiện đang được xếp là tảng băng lớn nhất thế giới hiện nay, vượt qua vị trí thứ hai là tảng băng A-23A có diện tích khoảng 3.380km2 cũng đang trôi ở biển Weddell.
|
|
A-76, tảng băng lớn nhất thế giới được chụp bởi vệ tinh Copernicus Sentinel-1 vào ngày 16/5. Ảnh: ESA. |
Hồi đầu năm, các nhà khoa học đã cảnh báo, tảng băng khổng lồ A86a ở Nam Cực đã vỡ ra thành nhiều mảnh, đe dọa hệ sinh thái và động vật trên đảo Nam Georgia ở nam Đại Tây Dương, nơi sinh sống tập trung của hàng triệu con chim cánh cụt và hải cầu.
A-76 lần đầu tiên được phát hiện bởi Cơ quan Khảo sát Nam Cực của Anh và được xác nhận bởi Trung tâm Dữ liệu Băng tuyết quốc gia Mỹ có trụ sở tại Maryland bằng cách sử dụng hình ảnh từ vệ tinh Copernicus Sentinel-1, bao gồm hai vệ tinh quay quanh cực Trái đất.
|
|
Tảng băng A-76 đã tách rời khỏi thềm băng Ronne ở Nam Cực. Nguồn: ESA. |
Nhà nghiên cứu băng học tại Đại học Colorado, Boulder, Mỹ Ted Scambos, cho biết, hiện tượng các khối băng lớn tách ra là một phần của chu kì tự nhiên và việc A-76 bị tách lìa có khả năng không liên quan đến biến đổi khí hậu.
Scambos cho biết Ronne và một thềm băng lớn khác có tên Ross, đã tồn tại ổn định trong hơn một thế kỉ qua. Do băng đã nổi trên biển từ lâu nên việc tách ra không làm tăng mực nước biển.
Huy Anh/Reuters, ESA