Vào thứ Bảy, 11/7, có gần 300 vụ cháy rừng hoành hành trên khắp vùng đất hoang dã rộng lớn tại Siberia, phía bắc Nga. Cơ quan cứu hỏa đã phải sử dụng biện pháp “gieo mây” để kích thích mưa, truyền thông Nga dẫn thông tin từ Tổ chức bảo vệ sinh thái Greenpeace.

Lực lượng bảo vệ rừng trên không của Nga cho biết họ đang cố gắng khống chế 136 vụ cháy trên phạm vi 43.000 ha (430 km2) vào thứ Bảy, 11/7. Các nhân viên cứu hỏa đang sử dụng biện pháp “gieo mây” để kích thích mưa bằng iốt bạc.

Tuy nhiên, 159 đám cháy khác trên phạm vi 333.000 ha, đang cháy dữ dội, lực lượng chữa cháy buộc phải bỏ cuộc do rừng ở các khu vực quá xa xôi, chi phí dập lửa tốn kém.

Tuy vậy, các đám cháy hiện tại chưa nhằm nhò so với một tuần trước, khi lực lượng chữa cháy báo cáo diện tích rừng bị cháy lên tới 2 triệu ha.

leftcenterrightdel

Lính cứu hỏa vật lộn với đám cháy rừng gần làng Batagay thuộc Cộng hòa Sakha. Nguồn: Bộ khẩn cấp Nga/AFP.

Từ giữa tháng 6, các khu vực ở phía bắc Siberia của Nga, bao gồm cả ngoài vòng Bắc Cực, đã ghi nhận thời tiết cực đoan chưa từng thấy. Nhiệt độ đã đạt mức kỷ lục 38oC (100,4 độ F) tại thị trấn Verkhoyansk ở Bắc Cực thuộc Siberia, Nga vào thứ Sáu, 10/7, nơi được biết là thường xuyên bị đóng băng. 

Ở Bắc Cực, nơi mặt trời không lặn vào mùa hè, nắng thiêu đốt 24 giờ/ngày, làm tăng nguy cơ hỏa hoạn, theo chuyên gia thời tiết Nga, Roman Vilfand.

Hôm thứ Năm, 9/7, dịch vụ thời tiết Nga cho biết các vụ cháy rừng năm nay tại Siberia Nga đã tăng hơn 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các dịch vụ khẩn cấp đã vật lộn với giặc lửa gần một cơ sở lưu trữ dầu trong cả tuần qua, nơi nhiệt độ liên tục trên 30oC (86 độ F). 

Tổ chức bảo vệ sinh thái Greenpeace Nga chuyên phân tích dữ liệu vệ tinh, cho biết hôm thứ Bảy, 11/7, tổng cộng 9,26 triệu ha rừng tại Siberia, diện tích tương đương với Bồ Đào Nha, đã bị ảnh hưởng bởi hỏa hoạn kể từ đầu năm 2020.

Các quan chức thời tiết và các nhà môi trường của Nga nói, biến đổi khí hậu là yếu tố chính làm gia tăng của các vụ hỏa hoạn.

Huy Anh