Theo Cơ quan Nghiên cứu và Đổi mới Quốc gia Indonesia (BRIN), một loài hoa có mùi hôi thối của xác động vật thối rữa được gọi là Giant Padma, vốn là thực vật đặc hữu chỉ có trên đảo Sumatra, được biết đến như là loài hoa lớn nhất thế giới đang có nguy cơ tuyệt chủng, đã nở lần đầu tiên bên ngoài môi trường sống bản địa của chúng, tại một vườn thực vật Indonesia sau nhiều thế kỷ nỗ lực bảo tồn.

Bông hoa có đường kính 60 cm đã nở vào ngày 12/9 tại Vườn Bách thảo Bogor ở Tây Java, ngoại ô Jakarta sau những nỗ lực bảo tồn loài ngoài môi trường sống tự nhiên kể từ khi được phát hiện vào năm 1818.

Việc một nụ hoa Rafflesia arnoldii nở đánh dấu 16 năm nỗ lực gây trồng của nhà nghiên cứu thực vật Sofi Mursidawati tại Trung tâm bảo tồn thực vật thuộc Vườn Bách thảo Bogor.

leftcenterrightdel
 Bông hoa khổng lồ Rafflesia arnoldii nở trong Vườn Bách thảo Bogor, Bogor, Tây Java, Indonesia, ngày 12/9. Nguồn: Antara / HO-BRIN.

Rafflesia arnoldii khá đặc biệt, chỉ gồm bông hoa, không có thân cây, lá, cành. Theo thejakartapost, tất cả các thành viên của họ thực vật Rafflesiaceae đều ký sinh trên cây quai bị lá thon (Tetrasigma lanceolarium), một loài cây dây leo.

Theo nhà khoa học Mursidawati, việc nhân giống tại chỗ của loài hoa quý hiếm đã được tiến hành kể từ khi nó được tìm thấy vào năm 1818 trong rừng Sumatra.

Năm 2006, các nhà nghiên cứu tại Vườn Bách thảo Bogor đã gieo trồng những hạt giống Rafflesia lấy từ rừng Bengkulu, bờ tây của đảo Sumatra.

leftcenterrightdel
 Hoa Rafflesia arnoldii có thể có đường kính 1,5m khi nở và nặng hàng chục kg. Ảnh: David Renoult.

Đầu tháng 9, những nụ hoa đầu tiên xuất hiện và đến ngày 12/9, một nụ hoa đã nở.

Loài Rafflesia arnoldii được phát hiện, ghi chép vào cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19.

Cái tên Rafflesia arnoldii là tên ghép để vinh danh nhà thám hiểm người Anh Thomas Stamford Raffles và bác sĩ, nhà thực vật học đồng hương Joseph Arnold, những người đã có công phát hiện và nghiên cứu về loài hoa này.

Dù có mùi kinh khủng, Rafflesia arnoldii vẫn chính thức được Indonesia công nhận là quốc hoa, loài hoa quý hiếm quốc gia, năm 1993. Loài hoa khổng lồ này cũng được liệt kê trong Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN), tình trạng loài bị đe dọa

Văn Phong/Kyodo, Antaranews, Thejakartapost