UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 270/KH-UBND về việc xây dựng và triển khai các mô hình quản lý, chăm sóc, hỗ trợ người sau cai nghiện tại nơi cư trú trên địa bàn Thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021-2025. 

Kế hoạch yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp của Thành phố cần nhận thức đầy đủ vai trò, trách nhiệm và lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ trong việc xây dựng, triển khai các mô hình quản lý sau cai nghiện ma túy, duy trì hiệu quả công tác cai nghiện ma túy tại địa phương.

Quá trình triển khai các mô hình quản lý sau cai nghiện ma túy tại các địa phương cần thực hiện đúng quy định pháp luật về quản lý sau cai nghiện ma túy, bảo đảm sự tham gia vào cuộc, sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên và thống nhất của các sở, ban, ngành, chính quyền, các đoàn thể ở địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, cá nhân và sự tham gia của bản thân, gia đình người sau cai nghiện ma túy.

leftcenterrightdel
 Buổi học văn hoá tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Hà Nội. (Ảnh minh hoạ)

Các địa phương lựa chọn mô hình phù hợp, cụ thể hóa thành kế hoạch triển khai các mô hình quản lý sau cai nghiện ma túy bảo đảm phù hợp với từng địa bàn dân cư, xác định rõ chỉ tiêu, nhiệm vụ, nội dung mô hình, các giải pháp thực hiện và bám sát theo tiến độ đặt ra của Thành phố đến năm 2025 và các giai đoạn tiếp theo.

Về chỉ tiêu nhiệm vụ, theo Kế hoạch, năm 2021, toàn Thành phố phấn đấu có 20-30% số xã, phường, thị trấn áp dụng mô hình quản lý sau nghiện ma tuý. Con số này năm 2022 là 30-40%, năm 2023 là 40-60%, năm 2024 là 60-80% và năm 2025, 100% số xã, phường, thị trấn trên địa bàn Thành phố áp dụng mô hình quản lý sau nghiện ma túy.

Bên cạnh đó, Kế hoạch nêu rõ, cùng với triển khai, duy trì hiệu quả các mô hình quản lý, chăm sóc, hỗ trợ người sau cai, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cai nghiện ma tuý thì cần phát huy hiệu quả vai trò của Đội công tác xã hội tình nguyện trong công tác quản lý sau cai, hạn chế tỉ lệ tái nghiện; đẩy mạnh hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm, thu nhập cho người sau cai nghiện ổn định cuộc sống, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội tại Thủ đô.

Đồng thời, huy động các nguồn lực xã hội, khuyến khích cá nhân, tổ chức kinh tế tham gia dạy nghề, giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy tại cộng đồng; lồng ghép công tác cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng, công tác quản lý sau cai nghiện ma túy với các chương trình giảm nghèo, an sinh xã hội tại địa phương.

Ngoài ra, Kế hoạch cũng đề cập đến các nội dung gồm: Mô hình “Tình nguyện viên giúp đỡ người sau cai nghiện ma tuý hoà nhập cộng đồng”; mô hình “Quản lý, giáo dục, tư vấn giúp đỡ người cai nghiện ma tuý tái hoà nhập cộng đồng - Câu lạc bộ B93”; mô hình “Điểm tư vấn hỗ trợ, chăm sóc điều trị cai nghiện ma tuý tại cộng đồng”…

P.V