Khoảng 2 tháng trở lại đây, việc xử lý các đối tượng mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn do “vướng” vào một quy định mới của Tòa án nhân dân tối cao, đòi hỏi cơ quan có thẩm quyền sớm có biện pháp tháo gỡ kịp thời.

 


Sau nhiều ngày theo dõi, trưa 26-11, tại khu vực Ẹo Ông Từ (phường 12, TP.Vũng Tàu), lực lượng đặc nhiệm phòng chống tội phạm ma túy của Đồn Biên phòng Chí Linh (thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh) đã bắt quả tang đối tượng N.S (sinh năm 1986, trú tại xã Tân Hòa, huyện Tân Thành) đang tàng trữ trái phép 0,9g heroin. Theo quy định trước đây, với hành vi và lượng tang vật nêu trên, Đồn Biên phòng Chí Linh sẽ ra quyết định tạm giữ N.S và khởi tố vụ án hình sự để điều tra làm rõ hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy của đối tượng này. Tuy nhiên, theo quy định tại Công văn số 234/TANDTS-HS ngày 17-9-2014 của Tòa án nhân dân tối cao, Đồn Biên phòng Chí Linh chỉ lấy lời khai ban đầu của N.S, gửi tang vật ra Viện Khoa học kỹ thuật hình sự Bộ Công an (trụ sở tại Hà Nội) để giám định hàm lượng ma túy, sau đó… thả N.S. Khi nào có kết quả giám định của Viện Khoa học kỹ thuật hình sự Bộ Công an, Đồn Biên phòng Chí Linh mới tiến hành tiếp các thủ tục tố tụng đối với N.S.

Theo Thiếu tá Lương Văn Giỏi, Đồn phó nghiệp vụ Đồn Biên phòng Chí Linh, từ năm 2007 đến nay, khi tiến hành khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm ma túy chỉ cân trọng lượng và giám định loại ma túy mà không giám định hàm lượng ma túy. Tuy nhiên, ngày 17-9-2014, Tòa án nhân dân tối cao có Công văn số 234/TANDTC-HS quy định, khi xét xử các vụ án ma túy thì bắt buộc phải giám định hàm lượng ma túy để làm căn cứ buộc tội. Công văn này đã gây rất nhiều khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng. Hiện nay, trên toàn quốc chỉ có một cơ sở giám định hàm lượng ma túy, đó là Viện Khoa học kỹ thuật hình sự Bộ Công an. Trong khi đó, cả nước mỗi ngày xảy ra hàng trăm vụ án ma túy, dẫn đến quá tải tại cơ quan giám định. Do vậy, để có kết quả giám định, các cơ quan tố tụng phải xếp hàng chờ đợi. “Quy định của Tòa án nhân dân tối cao đã khiến đơn vị chúng tôi bối rối khi bắt quả tang, bắt khẩn cấp tội phạm ma túy vì không thể xác định được ngay hàm lượng chất ma túy để làm căn cứ xử lý hình sự hay hành chính cũng như áp dụng các biện pháp ngăn chặn tạm giữ, tạm giam hay cho tại ngoại. Vụ việc của đối tượng N.S nêu trên là một ví dụ điển hình” - Thiếu tá Lương Văn Giỏi cho biết.

Ông Vũ Xuân Rồng, Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh cho biết: Tội phạm ma túy là hết sức nguy hiểm cho xã hội, cần thiết phải đấu tranh trừng trị nghiêm minh và kịp thời. Tuy nhiên, từ khi có Công văn số 234/TANDTC-HS của Tòa án nhân dân tối cao, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy trên địa bàn tỉnh bị chững lại, kể cả việc phá án cũng như tiến độ giải quyết án. Hiện nay, toàn tỉnh có rất nhiều vụ án ma túy phải trả hồ sơ điều tra bổ sung và nhiều vụ án chưa thể kết thúc điều tra vì vướng mắc trong giám định hàm lượng chất ma túy theo yêu cầu tại Công văn số 234/TANDTC-HS.

“Từ thực tế nêu trên, đề nghị cấp có thẩm quyền sớm có hướng dẫn, chỉ đạo trong công tác giải quyết án ma túy, phù hợp với điều kiện thực tế nước ta hiện nay, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các cơ quan chức năng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy, góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương” - ông Vũ Xuân Rồng nói.

 

Theo Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

.