(BVPL) - Theo tài liệu có trong hồ sơ của cơ quan tố tụng huyện Lâm Hà, thì vụ án được bắt đầu từ khoảng đầu năm 2011, Cao Tô Minh Hải cùng đồng bọn đi vào bãi sái – Phi Tô để nhằm mục đích yêu cầu những người đang khai thác quặng trái phép phải nộp tiền bảo kê. Khi nhóm của Hải vừa vào thì nhóm người đang khai thác quặng đã gọi cho Lê Chí Dũng và Phan Đức Long vào can thiệp. 

 
Lê Chí Dũng khi đó cũng đứng đầu một băng nhóm đang thu tiền bảo kê tại đây. Khi Dũng và Phan Đức Long vào, hai bên xô xát cãi nhau, rồi nhóm của Hải đi về.
 
Sau đó một năm, Cơ quan CSĐT công an huyện Lâm Hà mới khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Cao Tô Minh Hải và đồng bọn về tội "Cưỡng đoạt tài sản". Còn nhóm của Lê Chí Dũng chỉ khởi tố một mình Phan Đức Long về tội “Cưỡng đoạt tài sản”. 
 
Luật sư Dương Mạnh Cường, Đoàn luật sư tỉnh Quảng Ninh cho rằng, theo các tài liệu của các cơ quan chức năng, các đơn từ, tài liệu và thông tin do ông Cao Minh Hưng, bố của bị cáo Hải cung cấp cùng những tài liệu mà luật sư thu thập được cho thấy, có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng pháp luật tố tụng hình sự của các cơ quan tố tụng huyện Lâm Hà, cụ thể: Có dấu hiệu khởi tố oan sai đối với các bị cáo thuộc nhóm của Cao Tô Minh Hải và bỏ lọt tội phạm đối với trường hợp của Lê Chí Dũng. 
 
Theo tài liệu, bị cáo Hải cùng đồng bọn có hành vi mang theo hung khí vào bãi quặng đe dọa chiếm đoạt tài sản, nhưng thực tế theo lời khai của bị hại (anh Tùy) thì nhóm của Hải vừa vào, chưa có đe dọa ai thì nhóm của Dũng đã vào can thiệp và nhóm của Hải bỏ về. 
 
Riêng bị cáo Hải thì bị khởi tố thêm về hành vi cưỡng đoạt số tiền 5 triệu của anh Tùy. Nhưng, theo lời khai và đơn bãi nại của  anh Tùy có sự chứng thực của UBND thị trấn Nam Ban (Lâm Đồng) và người làm chứng thì số tiền trên do Tùy tự nguyện đưa cho nhóm của Hải để đi ăn cơm, nhằm mục đích giải hòa, không phải do Hải đe dọa mà Tùy sợ phải nộp. Vậy việc khởi tố hành vi này về tội Cưỡng đoạt tài sản, liệu có đảm bao căn cứ?
 
Với Lê Chí Dũng, thì ngay hôm đó Dũng đã trực tiếp thu số tiền 3.500.000đ của anh Chiến, anh Hiệp. Tiếp những tháng sau đó, Dũng vẫn cùng Long đi thu tiền bảo kê, nhưng không bị khởi tố, mà Tòa chỉ đưa Dũng vào tham gia tố tụng với tư cách là nhân chứng trong vụ án. 
 
Trong giai đoạn xét xử, TAND huyện Lâm Hà đã vi phạm tố tụng như: Ra thông báo hoãn phiên tòa trước 02 ngày mở phiên tòa với lý do công an không trích xuất được bị cáo về mà không phải ra quyết định hoãn tại phiên tòa nếu vắng mặt bị cáo, 58 ngày sau mới mở lại phiên tòa (theo quy định tại Điều 194 BLTTHS, thời hạn hoãn phiên tòa là không quá 30 ngày).
 
Tại phiên tòa ngày 18/01/2013, khi chưa giới thiệu thành phần những người tiến hành tố tụng, chủ tọa phiên tòa đã hỏi Luật sư và các bị cáo có thay đổi ai trong thành phần những người tiến hành tố tụng hay không?
 
Khi bị phản bác, chủ tọa phiên tòa giải thích, thành phần những người tiến hành tố tụng đã có trong quyết định đưa vụ án ra xét xử, không có thay đổi gì nên không cần giới thiệu lại.
 
Riêng bị hại là anh Tùy có đơn đề nghị xét xử vắng mặt, có xác nhận của chính quyền địa phương, nhưng sau khi kiểm tra căn cước, công bố quyền và nghĩa vụ, hỏi ý kiến của các bị cáo, Luật sư về sự vắng mặt của bị hại Tùy, tất cả đều đề nghị tiếp tục phiên tòa. Nhưng HĐXX vẫn quyết định hoãn phiên tòa với lý do "Xét thấy lời khai của anh Tùy không thống nhất”.
 
Đề nghị các cơ quan tố tụng huyện Lâm Hà cần xem xét, đánh giá lại các tình tiết trong toàn bộ vụ án để đảm bảo việc giải quyết vụ án khách quan, chính xác, có căn cứ, không bỏ lọt tội phạm và không làm oan người vô tội.
 
Quốc Hùng – Quang Chiến