(BVPL)-Viện trưởng Viện KSND TP. Nam Định vừa qua đã có Quyết định: “Kháng nghị bản án dân sự sơ thẩm số 08/2017/DS-ST ngày 28/4/2017 của TAND TP. Nam Định theo thủ tục phúc thẩm”. Kháng nghị này đã nêu ra ba vi phạm nêu trong bản án liên quan đến việc xử lý tài sản đảm bảo tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh Nam Định (Vietinbank Nam Định). 
 
Ngôi nhà đứng tên anh Hợp, chị Hường tại Tổ 18, thị trấn Xuân Trường, huyện Xuân Trường, Nam Định.
Ngôi nhà đứng tên anh Hợp, chị Hường tại Tổ 18, thị trấn Xuân Trường, huyện Xuân Trường, Nam Định.
 
Viện cớ bỏ đi phát mại tài sản 
 
Năm 2011, vợ chồng chị Trần Thị Hường và anh Bùi Đức Hợp làm thủ tục vay vốn tại Vietinbank Nam Định. Tổng số tiền vay là 700 triệu đồng, được chia ra làm hai hợp đồng vay. Cụ thể, tại hợp đồng số TD1149100/HĐTD ngày 28/9/2011, số tiền vay ngân hàng là 300 triệu đồng, hạn trả nợ là ngày 28/9/2012, lãi xuất 18,5%/năm. Hợp đồng tín dụng thứ hai, số TD 1151041/HĐTD ngày 14/12/2011, số tiền vay là 400 triệu đồng, hạn trả nợ ngày 14/12/2012, lãi suất 17,5%/năm. Tài sản thế chấp là ngôi nhà của vợ chồng chị Hường tại Tổ 18, thị trấn Xuân Trường, huyện Xuân Trường, Nam Định. 
 
Theo xác định của phía Vietinbank Nam Định, bắt đầu từ từ tháng 2/2012, chị Hường và anh Hợp không còn nguồn trả nợ gốc và lãi cho ngân hàng. Từ 13/3/2012 đến ngày 14/5/2012 ngân hàng đã tám lần gửi giấy mời chị Hường và anh Hợp đến làm việc trả nợ gốc lãi, anh Hợp trực tiếp ký nhận giấy và tại các buổi làm việc anh Hợp đều có mặt, chị Hường vắng mặt. Lý do chị Hường vắng mặt được anh Hợp nêu là vợ bỏ đi không có lý do, không liên lạc được, không biết địa chỉ của chị Hường ở đâu. Đồng thời anh Hợp cũng nộp biên bản làm việc với UBND thị trấn Xuân Trường ngày 09/05/2012 với nội dung chị Hường bỏ đi, vợ chồng anh chị chậm trả lãi ngân hàng 3 tháng, đề nghị ngân hàng phát mãi tài sản để trả nợ và thanh lý hợp đồng với ngân hàng.
 
Vietinbank Nam Định cho rằng mình có toàn quyền lựa chọn hình thức, tài sản thế chấp là bán công khai ( không thông qua tổ chức bán đấu giá) của chị Hường và anh Hợp tại số 18, thị trấn Xuân Trường, huyện Xuân Trường để khấu trừ gốc lãi và thanh lý hợp đồng. Vietinbank Nam Định đã cùng khách hàng Bùi Đức Hợp thống nhất định giá bán tài sản với giá trị tối thiểu là 1,2 tỷ đồng.
 
Ngày 7/6/2012 Hội đồng xử lý tài sản Vietinbank Nam Định đã tổ chức bán tài sản công khai tại trụ sở chi nhánh. Theo nội dung biên bản họp hội đồng xử lý tài sản ngày 7/6/2012 thì anh Phạm Văn Khương là người mua trúng giá với giá trị tài sản là 1.201.650.000 đồng. 
 
Ngày 28/4/2017, TAND  TP. Nam Định đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án: “tranh chấp kết quả bán đấu giá tài sản” giữa nguyên đơn là chị Trần Thị Hường và bị đơn là Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam. Tại đây chị Trần Thị Hường khẳng định không có chuyện mình bỏ đi hay mất tích như phía ngân hàng quy kết. Chị Hường cho biết, khoảng tháng 2/2012 chị lên Hà Nội bán hàng ăn, hàng tháng có về thăm nhà, chăm sóc con, cũng như thực hiện nghĩa vụ trả lãi cho ngân hàng, vẫn giữ liên lạc với chồng, con. Số điện thoại của chị vẫn sử dụng từ trước đến nay. Chị không nhận được bất cứ một văn bản nào thông báo về việc Vietinbank Nam Định phát mãi nhà đất của vợ chồng chị. Việc phát mãi không thông báo trực tiếp cho chị, chưa có ý kiến của chị là xâm phạm quyền lợi của cá nhân chị. 
 
Đồng thời Vietinbank Nam Định đấu giá tài sản theo hình thức nội bộ, không thông qua tổ chức đấu giá là không đúng quy định pháp luật, ngân hàng không thể tự mình khấu trừ gốc, lãi và thanh lý hợp đồng khi chưa có ý kiến của chị.
 
Cũng tại phiên tòa, anh Bùi Đức Hợp thanh minh, do làm ăn tại địa phương sa sút nên chị Hường phải đi làm ăn chứ không phải mất tích, vợ chồng anh vẫn liên lạc qua điện thoại với nhau: “Trong đơn đề nghị ngày 9/5/2012 tôi có ký vào đơn nhưng không biết ai là người viết đơn để xác nhận theo hướng dẫn và yêu cầu của ngân hàng. Tôi không biết gì về thông tin đấu giá tài sản, không nhận được quyết định thành lập Hội đồng đấu giá cũng như không biết Hội đồng đấu giá là những ai.Việc đấu giá chỉ có mình anh Khương tham gia là không khách quan, gây thiệt hại đến quyền lợi của vợ chồng tôi”, anh Hợp nói. 
 
Số tiền bán đấu giá tài sản là 1.201.650.000 đồng Vietinbank Nam Định đã thu hồi nợ gốc còn lại là 699 triệu đồng và nợ lãi tính đến ngày 8/6/2012  là 36.942.020 đồng, đồng thời đơn phương thanh lý hợp đồng vay tín dụng và thế chấp tài sản với vợ chồng chị Hường và anh Hợp. Số tiền còn lại là 463.057.980 đồng hiện đang trong tài khoản của Vietinbank Nam Định chờ thanh toán. Vietinbank Nam Định đã 3 lần ra thông báo gửi vợ chồng anh Hợp và chị Hường để lên nhận lại số tiền trên nhưng anh Hợp và chị Hường từ chối nhận lại vì cho rằng không phải tiền của mình.
 
Bản án vi phạm bị kháng nghị
 
Quyết định kháng nghị của VKSND tỉnh Nam Định
Quyết định kháng nghị của VKSND tỉnh Nam Định
 
Chính việc đấu giá tài sản đầy uẩn khúc nên mới dẫn đến những hệ lụy rắc rối về sau. Anh Khương sau này do kinh tế khó khăn nên đã bán ngôi nhà ngôi nhà mà mình mua được qua đấu giá cho ông Bùi Viết Kham với giá 1,9 tỷ đồng. Nhưng do thủ tục chuyển quyền sử dụng chưa được phía ngân hàng hoàn thiện nên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất được anh Khương đưa cho ông Kham vẫn đứng tên vợ chồng chị Hường.
 
Tại phiên tòa,  Hội đồng xét xử quyết định: “Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của chị Trần Thị Hường; Buộc chị Hường và anh Hợp phải liên đới thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng tín dụng số TD 1149100/ HĐTD ngày 28/9/2011 và hợp đồng tín dụng số TD 115104/HĐTD ngày 14/12/2011 đối với số tiền gốc, lãi là: 735.942.020 đồng và tiền bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ thanh toán là: 349.175.000 đồng.
 
Buộc ông Bùi Viết Kham phải trả Giấy chứng nhận QSD đất số BC 374258 do UBND huyện Xuân Trường, Nam Định cấp ngày 31/12/2010 mang tên anh Bùi Đức Hợp và chị Trần Thị Hường cho anh Bùi Đức Hợp và chị Trần Thị Hường”.
 
Không đồng tình với quyết định của TAND TP. Nam Định, ngày 9/5/2017, Viện trưởng Viện KSND TP. Nam Định đã có Quyết định: “Kháng nghị bản án dân sự sơ thẩm số 08/2017/DS-ST ngày 28/4/2017 của TAND TP. Nam Định theo thủ tục phúc thẩm”. Kháng nghị này đã nêu ra ba vi phạm nêu trong bản án. Cụ thể:“Vi phạm về phần án phí giá ngạch”, “Vi phạm về việc xác định lỗi trong việc giải quyết bồi thường thiệt hại do hủy kết quả bán đấu giá” và “Vi phạm về giải quyết vượt quá phạm vi khởi kiện”.
 
Đối với: “Vi phạm về phần án phí giá ngạch”. Tại bản án buộc Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam phải nộp án phí bồi thường thiệt hại là 69 triệu đồng là không chính xác. Ngân hàng chỉ phải nộp án phí bồi thường thiệt hại là 17.458.750 đồng. Anh Khương chỉ phải nộp án phí có giá ngạch, giải quyết hậu quả hợp đồng vô hiệu là 10.489.625 đồng thay vì 74.199.000 đồng như bản án nêu. Vi phạm này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi của các đương sự.
 
“Vi phạm về việc xác định lỗi trong việc giải quyết bồi thường thiệt hại do hủy kết quả bán đấu giá” cũng được VKS chỉ ra. Chẳng hạn, tại thời điểm ngân hàng xử lý tài sản bảo đảm thì chị Hường đi làm ăn xa chỉ có  mình anh Hợp ở nhà, do không có khả năng thanh toán nên anh Hợp đã đơn phương đề nghị ngân hàng xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ gốc, lãi  và thanh lý hợp đồng. 
 
Chị Hường không biết, cũng như không được thông báo về việc xử lý tài sản nêu trên nên chị Hường không có lỗi trong việc bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ thanh toán. Như vậy, lỗi đối với hậu quả của việc hủy kết quả bán đấu giá là do cá nhân anh Hợp và ngân hàng. Mặt khác ngày 19/3/2013 anh Hợp và chị Hường đã được TAND huyện Xuân Trường, Nam Định xử ly hôn. Do đó, chị Hường  không phải chịu trách nhiệm liên đới với anh Hợp trong việc bồi thường 349.173.000 đồng cho Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam do hủy kết quả bán đấu giá.
 
Phân tích: “Vi phạm về giải quyết vượt quá phạm vi khởi kiện”, VKSND TP. Nam Định cũng chỉ ra những bất cập. Tại phần quyết định của bản án, buộc chị Hường và anh Hợp phải liên đới thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng tín dụng số TD 1149100/HĐTD ngày 28/9/2011 và hợp đồng tín dụng số TD 1151041/HĐTD ngày 14/12/2011 đối với số tiền gốc, lãi là: 735.942.020 đồng là vược quá phạm vi khởi kiện. Bởi vì trong quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phần nhận định của bản án xác định quan hệ pháp luật của Tòa án phải giải quyết trong vụ án là xem xét yêu cầu khởi kiện của chị Hường về tranh chấp kết quả bán đấu giá tài sản bảo đảm gồm nhà đất của vợ chồng chị tại Tổ 18, thị trấn Xuân Trường, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Đồng thời giải quyết yêu cầu chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất giữa ông Kham và anh Khương chứ không có đương sự nào yêu cầu giải quyết tranh chấp 02 hợp đồng Tín dụng nêu trên. Do đó, đã vi phạm khoản 1 Điều 5 bộ luật Tố tụng Dân sự.  
 
Việc thụ án buộc ông Bùi Viết Kham phải trả Giấy chứng nhận quyền SDĐ số BC374258 do UBND huyện Xuân Trường, Nam Định cấp ngày 31/12/2010 mang tên anh Bùi Đức Hợp và chị Trần Thị Hường cho anh Bùi Đức Hợp và chị Trần Thị Hường là không đúng. Căn cứ Điều 137 BLDS năm 2005, hậu quả của việc hủy kết quả bán đấu giá là các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Theo đó, giấy CNQSDĐ mà ông Kham đang quản lý phải được trả lại cho Ngân hàng Công Thương Việt Nam.
 
Từ các phân tích trên, Viện KSND TP. Nam Định ra quyết định kháng nghị bản án dân sự sơ thẩm số 08/2017/DS-ST ngày 28/4/2017 của TAND TP. Nam Định theo thủ tục phúc thẩm. Đồng thời, VKSND TP. Nam Định cũng đề nghị TAND tỉnh Nam Định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm.
Tuệ Khanh
.