(BVPL) - Với rất nhiều nhân chứng quan trọng không được triệu tập xác minh, không đưa nhân chứng quan trọng vào tham gia tố tụng, cũng như hoạt động thu thập hồ sơ, chứng cứ còn nhiều thiếu sót, nhất là chưa xác định rõ vị trí, ranh giới thửa đất, cũng như có sự chồng lấn giữa các thửa đất… bản án sơ thẩm giải quyết tranh chấp đất rừng giữa nguyên đơn Lê Hữu Quyết và bị đơn Phạm Soa ở Hương Khê (Hà Tĩnh) đã bị TAND tỉnh Hà Tĩnh xét xử phúc thẩm, hủy án để điều tra, xét xử lại.
Nguồn gốc vụ việc
Năm 1989, thực hiện chủ trương của Nhà nước về dự án 327 (phủ trống đồi núi trọc), gia đình ông Nguyễn Văn Tâm ở xóm 1 - Đông Hải, xã Gia Phố- Hương Khê (Hà Tĩnh) đã vào vùng kinh tế mới Yên Sơn trồng rừng. Rừng gia đình ông Tâm làm cận kề với vườn của ông Lê Hữu Quyết. Sau đó một thời gian thấy không hiệu quả, ông Tâm đã bỏ hoang. Đến khoảng cuối năm 1993, đầu năm 1994, vợ chồng ông Phạm Soa đã đề nghị ông Tâm chuyển nhượng lại và được chấp nhận. Việc chuyển nhượng này được xóm trưởng, Ban quản lý Hợp tác xã Đông Hải và UBND xã Gia Phố thời đó xác nhận (thời điểm đó vùng đất này thuộc địa phận quản lý của UBND xã Gia Phố).
Từ đó, gia đình ông Soa tiến hành làm trại để chăn nuôi, trồng cây và đào ao thả cá. Đến năm 2004, Lê Hữu Dũng (em trai của ông Lê Hữu Quyết) hợp tác cùng trồng keo với ông Soa trên mảnh đất này. Đến năm 2011 thì ông Soa thanh toán tiền cho ông Dũng, còn ông Dũng khoán lại cho ông Soa toàn quyền khai thác cây.
Năm 2012, gia đình ông Soa tiến hành khai thác cây keo thì ông Lê Hữu Quyết vào tranh chấp. Sau nhiều lần hòa giải không thành, ông Quyết khởi kiện gia đình ông Soa ra Tòa. Ngày 29/12/2016, TAND huyện Hương Khê đã đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Mặc dù hồ sơ vụ án còn nhiều thiếu sót, nhân chứng quan trọng không được mời tham gia tố tụng… nhưng Hội đồng xét xử vẫn đưa ra phán quyết… ngược, khi tuyên gia đình ông Phạm Soa phải trả lại hơn 21 nghìn m2 đất cho ông Lê Hữu Quyết, dẫu rằng thửa đất này gia đình ông Soa đã mua lại và bỏ công chăm sóc, trồng cây hàng chục năm nay.
Nhân chứng quan trọng không được triệu tập, nhân chứng tại Tòa có lời khai mâu thuẫn
Phiên tòa phúc thẩm ngày 08/9/2017 cho thấy, TAND huyện Hương Khê xét xử sơ thẩm đã rất “ẩu” và thiếu công minh trong việc thu thập hồ sơ, đánh giá chứng cứ, nhất là không triệu tập nhân chứng quan trọng vào tham gia tố tụng, kể cả khi các nhân chứng này có đơn xác nhận, luật sư bên bị đơn đã đi xác minh, cung cấp chứng cứ cho Tòa sơ thẩm… cũng không được xem xét. Trong lúc đó, nội dung đơn kiện của nguyên đơn có nhiều điểm mâu thuẫn, nhân chứng tham gia tại tòa có lời chứng mâu thuẫn… lại được cấp sơ thẩm chấp nhận một cách khó hiểu?!
Theo đơn khởi kiện thì ông Quyết cho rằng: Vào năm 2006, ông Soa và ông Lê Hữu Dũng đến mượn 7 sào đất của gia đình ông, năm 2012 ông đòi lại đất nhưng ông Soa không trả nên ông Quyết khởi kiện. Nhưng ông Soa khẳng định, từ năm 1994 đã vào canh tác trên đất. Việc này có nhiều người làm chứng, viết đơn xác nhận. Tiếc rằng, những nhân chứng này không được Tòa cấp sơ thẩm triệu tập, đưa vào tham gia tố tụng. Điển hình:
Ông Nguyễn Văn Tâm, người chuyển nhượng thửa đất nói trên cho ông Soa xác nhận: “Thửa đất đó do tôi khai hoang. Sau làm không hiệu quả, tôi chuyển nhượng cho ông Phạm Soa vào làm từ năm 1994. Chính bản thân tôi là người nhờ ông Nga viết giấy chuyển nhượng đất cho ông Soa và tôi đã lên xin xác nhận của xã…”.
Ngay trong biên bản xác minh của Tòa án huyện Hương Khê ngày 27/9/2016, do Thẩm phán Lê Trọng Hùng trực tiếp đi xác minh, ông Nguyễn Văn Tâm cũng đã nói rõ điều này, còn nhấn mạnh thêm: “Đến năm 1994 ông Phạm Soa gặp tôi xin đất, tôi đồng ý và chủ yếu là cho không ông Soa và có xác nhận vào giấy nhượng đất”.
Trực tiếp ông Nguyễn Văn Lương, nguyên Chủ tịch xã Gia Phố cũng xác nhận điều này: “Thời kỳ tôi làm chủ tịch có ký xác nhận giấy chuyển nhượng đất giữa ông Nguyễn Văn Tâm và ông Phạm Soa”.
Ông Nguyễn Đình Vinh, nguyên Chủ nhiệm HTX Đông Hải, xã Gia Phố, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy xã Gia Phố cũng xác nhận sự thật nêu trên.
Đặc biệt, ông Lê Hữu Dũng (em trai nguyên đơn Lê Hữu Quyết) cũng thừa nhận thửa đất đang tranh chấp là của ông Phạm Soa. Ngay cả người canh tác cạnh đất ông Soa cũng xác nhận quá trình canh tác lâu dài của gia đình ông Phạm Soa trên thửa đất đang tranh chấp.
Ngoài ra, ông Quyết trình bày dự án 327 giao cho ông 3,6 ha, trong khi đó hiện nay diện tích thực tế ông đang sử dụng hơn 4 ha, như vậy ông Quyết lấy đất ở đâu ra để cho gia đình ông Soa mượn 7 sào và đòi ông Soa trả lại 1,5 ha (theo như trình bày của ông Quyết)?
Vô lý nhất là lời khai của nhân chứng Nguyễn Thế Phúc, người được Tòa cấp sơ thẩm triệu tập làm chứng, khi khẳng định ông Quyết cho ông Soa mượn đất vào năm… 1996, và mảnh đất mà ông Quyết và ông Soa đang tranh chấp, trước đây là của ông Ngô Liên và Ngô Thanh, đến năm… 1993 ông Quyết mới vào đây để làm! Trong lúc đó, ông Quyết khẳng định ông vào làm trên đất từ năm 1983, năm 2006 cho ông Soa mượn đất. Đặc biệt, khi Hội đồng xét xử phúc thẩm cho bị đơn Phạm Soa đối chứng với nhân chứng Phúc, thì nhân chứng này đã không trả lời được những câu hỏi về nguồn gốc lịch sử của thửa đất đang tranh chấp cũng như những vấn đề liên quan khác.
Với những mâu thuẫn, thiếu sót nêu trên, Tòa án cấp phúc thẩm đã tuyên hủy bản án sơ thẩm theo đề nghị của đại diện Viện kiểm sát để trả hồ sơ về cho cấp sơ thẩm điều tra, xét xử lại.
Mẫn Phong