(BVPL) - Dấu vết hình sự là những phản ảnh vật chất, hình thành và tồn tại trong mối quan hệ tất yếu với sự việc mang tính hình sự, cần được phát hiện, thu thập, đánh giá và sử dụng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

 

Dấu vết hình sự được hành thành và tồn tại ở hiện trường rất đa dạng và phong phú. Do đó việc phân loại dấu vết có ý nghĩa quan trọng trong việc đề ra các phương pháp phát hiện, ghi nhận, thu lượm, bảo quản và đánh giá phù hợp với quá trình hình thành, hình thức tồn tại, tính chất và đặc điểm riêng của chúng. Có rất nhiều cách phân loại dấu vết hình sự khác nhau. Trong đó sự phân chia dấu vết ra làm hai loại vĩ vết và vi vết là căn cứ vào kích thước và khối lượng của dấu vết. Những dấu vết lớn gọi là vĩ vết, còn những dấu vết nhỏ gọi là vi vết. Theo một số nhà nghiên cứu thì vi vết là những dấu vết có kích thước và khối lượng rất nhỏ, mắt thường khó có thể quan sát thấy nếu không sử dụng các phương tiện kỹ thuật phóng đại. Ngược lại, vĩ vết là những dấu vết có kích thước và khối lượng lớn đến một mức nhất định mà mắt thường có thể quan sát được. Chúng tôi cho rằng cách định nghĩa này khó mà bao quát hết được vi vết. Trong thực tế có những vi vết mà mắt thường vẫn có thể quan sát được một phần về chúng như vi vết bụi, sơn, hóa chất, vải sợi, máu… Thậm chí, có một số loại dấu vết mắt thường có thể nhìn thấy như vết sợi, dấu vết máu đọng hoặc thấm vào các khe, kẽ nhỏ, những chỗ lõm sâu của vật mang mà thủ phạm cố tình xóa cũng không hết nhưng vẫn phải xếp vào vi vết, vì để giám định chúng đồi hỏi thực hiện bằng phương pháp vi phân tích. Một số trường hợp mắt thường tuy không nhìn thấy nhưng chưa chắc đã là nhỏ như với chất khí hoặc hóa chất không màu bị trộn lẫn với các vật chất khác và có khi lại xếp chúng vào vĩ vết.


Do dấu vết hình sự có nhiều loại dấu vết khác nhau nên ranh giới cụ thể phân chia vĩ vết và vi vết từng loại có sự khác nhau. Một số nhà nghiên cứu lấy tiêu chuẩn là sự cần thiết phải áp dụng phương pháp vi phân tích trong giám định và lấy kích thước của dấu vết (nhỏ hơn 0,1mm) làm tiêu chuẩn, số khác lại đề xuất sử dụng tiêu chuẩn khối lượng dấu vết (nhỏ hơn 10-3g). Tuy nhiên, mỗi tiêu chuẩn trên không thể áp dụng được với tất cả các loại dấu vết mà chỉ có thể áp dụng cho một số loại dấu vết nhất định.


Trong từ điển Hán - Việt, từ “vi” có nghĩa là nhỏ bé, rất nhỏ; theo từ điển Lạc Việt, từ “vi” là yếu tố ghép trước để cấu tạo danh từ có nghĩa cực nhỏ, ví dụ như vi trùng, vi sinh vật… Có thể hiểu vi vết là dấu vết rất nhỏ.


Như vậy, vi vết trước hết là loại dấu vết hình sự cụ thể, nó có đầy đủ các đặc điểm, tính chất của dấu vết hình sự nói chung, có ý nghĩa hình sự và có giá trị pháp lý chứng minh tội phạm, nó xuất hiện phổ biến ở những vụ việc có tính hình sự. Thứ hai, với đặc điểm cơ bản là vi vết có kích thước và khối lượng rất nhỏ mà bằng mắt thường con người không thể nhận biết được, hoặc chỉ nhận biết được một phần, phải có phương pháp phát hiện và phương tiện kỹ thuật chuyên dùng để nhận biết. Với sự phân tích trên, đối chiếu với các tiêu chí đã được nghiên cứu trong hệ thống lý luận chung về dấu vết hình sự, có thể xây dựng khái niệm vi vết trong KTHS như sau:


“Vi vết là những dấu vết hình sự cụ thể mà bằng mắt thường con người không nhận biết được hoặc nhận biết được một phần, cần phải có phương pháp và công cụ hỗ trợ chuyên dùng để phát hiện, thu thập, đánh giá và sử dụng trong công tác đấu tranh chống tội phạm”

 

Như vậy, để phân định được vĩ vết với vi vết hình sự cần sử dụng kết hợp cả 3 tiêu chuẩn trên, áp dụng tiêu chuẩn nào còn tùy thuộc vào loại dấu vết, còn khi áp dụng thì chỉ chọn một thông số khối lượng hoặc kích thước làm con số tiêu biểu.


Cơ chế hình thành dấu vết hình sự là cách thức hành thành của một dạng phản ánh vật chất trong các vụ việc mang tính hình sự mà gắn liền với nó là quá trình tác động vật chất. Cơ chế hình thành vi vết cũng như vĩ vết, chủ yếu liên quan đến lực tác động và bản chất vật chất của các vật tác động với nhau. Vi vết có thê xuất hiện đơn lẻ hoặc xuất hiện song song với vĩ vết. Vi vết thường là bổ sung cho vĩ vết khi đánh giá dấu vết hình sự. Trong những trường hợp không thu được vĩ vết thì vi vết trở nên vô cùng quan trọng trong giám định. Ở những vị trí xuất hiện vĩ vết cũng là nơi xuất hiện vi vết. Khi có một lực tác động nhất định sẽ xuất hiện sự bám dính của các hạt vụn nhỏ trên bề mặt vật mang vết. Trong một số trường hợp khác thủ phạm cố tình xóa dấu vết lớn thì ngay ở vị trí đó lại xuất hiện vi vết. Do đặc tính khó phân biệt bằng mắt thường nên thủ phạm thường không biết để xóa các vi vết. Đây là yếu tố làm tăng độ phổ biến đồng thời nâng cao vài trò của vi vết hình sự.


Để phát hiện, thu lượm được các vi vết hình sự có giá trị cao cần phải có phương pháp tìm kiếm phù hợp. Trước hết cần phải dựa trên đặc điểm của vi vết là có kích thước rất nhỏ cũng như có các tính chất vật lý, hóa học và quang học đặc biệt. Bên cạnh vi vết hình sự còn tồn tại rất nhiều dấu vết nhỏ khác như hạt vụn, vết bám, chất lỏng hoặc các loại dấu vết không phải là dấu vết hình sự. Các dấu vết này có thể làm “nhiễu” dấu vết hình sự. Do đó, khi có vụ việc mang tính hình sự xảy ra cần phải phân biệt và lựa chọn được đâu là vi vết hình sự và đâu là vi vết không có ý nghĩa hình sự. Để có thể tránh được việc hời hợt, thiếu thận trọng trong việc đánh giá và thu lượm vi vết hình sự thì phải có chiến thuật và phương pháp phù hợp trong khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, khám người, đồ vật và các khám xét khác; phải tránh gây ra những xáo trộn trong quá trình khám nghiệm. Khi quan sát tại hiện trường cần thực hiện tốt các nội dung sau:


- Xác định những vị trí mà thủ phạm đã chạm cơ thể hoặc công cụ, phương tiện vào.


- Xác định hướng di chuyển của của thủ phạm tại hiện trường. Tuy nhiên cần lưu ý và phân biệt được đâu là dấu vết do thủ phạm để lại, đâu là dấu vết của những người vào cứu nạn nhân.


- Xác định thứ tự thu thập dấu vết theo nguyên tắc vi vết thu trước, vĩ vết thu sau. Nếu thực hiện ngược lại thì phải thận trọng trong việc lựa chọn phương pháp thu sao cho không phá hủy vi vết


- Trong trường hợp không có vĩ vết hoặc bị xóa, bị hủy thì vai trò của vi vết là đặc biệt quan trọng. Do đó, cần phải bố trí nhân lực, phương tiện để khám nghiệm một cách thận trọng, tỉ mỉ sẽ giúp cho việc đánh giá dấu vết và giám định đạt hiệu quả.


Sau khi thực hiện tốt các nội dung trên, một việc hết sức quan trọng đó là tìm kiếm, thu lượm và bảo quản vi vết hình sự. Kỹ thuật tìm kiếm, thu lượm và bảo quan vi vết đồi hỏi nhiều trang thiết bị hơn vĩ vết. Để phát hiện được vi vết và phạm vi phân bố cần phải sử dụng các loại công cụ như kính lúp có độ phóng đại 8X hoặc 10X, nguồn sáng mạnh để quan sát tốt hơn hoặc với kỹ thuật chiếu xiên để tạo bong của các hạt vụn nhỏ, sợi nhỏ trên bề mặt bằng phẳng. Sử dụng đèn tử ngoại để phát hiện các chất có tính phát quang, các thiết bị phân tích khí ở hiện trường như trong các vụ ngộ độc khí CO.


Việc thu và bảo quản vi vết thường khác với vĩ vết. Trước hết phải có thiết bị thu thích hợp để tách dấu vết ra khỏi vật mang rồi đựng trong bình chứa sạch hoặc túi nilon. Ở những nước phát triển việc thu các dấu vết bụi, các loại hạt vụn rắn nhỏ, sợi vụn nhỏ được thực hiện bằng máy hút bụi mini với giấy lọc và ống đựng nhỏ sau đó cho vào túi polyetylen. Tuy nhiên ở nước ta chưa được trạng bị thiết bị này nên việc tách vi vết là những hạt rắn nhỏ và các loại bụi ở hiện trường gặp nhiều khó khăn phức tạp. Tuy từng loại vi vết mà có thể sử dụng dao lam và chổi nhỏ hoặc băng dính và panh để thu gom và tách dấu vết. Nhìn chung phần lớn các loại vi vết khi phát hiện được nên tìm cách đóng gói cả vật mang vi vết gửi đến cơ quan giám định. Trường hợp vật mang lớn thì dùng cưa thu một phần vật mang cùng với vi vết. Việc đóng gói  phải lưu ý sao cho vi vết không bị hư hỏng trong quá trình vận chuyển đến nơi giám định. Với điều kiện nước ta hiện nay chỉ có ở trong các Labor giám định mới tách vi vết được tốt nhất.


Một vấn đề quan trong nữa là trước khi thu vi vết cần phải chụp ảnh vi vết và mô tả vị trí, đặc điểm trong biên bản khám nghiệm hiện trường. Ảnh có giá trị rất cao đối với các vi vết cơ học, vi vết sinh học và hóa học mà khi giám định cần có những thông tin chính xác về vị trí và trạng thái của vi vết. Việc mô tả chi tiết và chính xác tình trạng, vị trí, đặc điểm và điểm khác biệt của vi vết với vật mang nhiều khi rất khó diễn tả bằng ngôn ngữ mà chỉ có thể bằng hình ảnh mới thể hiện được đầy đủ và chính xác. Hiện nay nên coi chụp ảnh dấu vết trước khi thu là một công việc mang tính bắt buộc. Và cũng giống như vĩ vết, để phục vụ công tác giám định cần phải cso mẫu so sánh. Trong một số trường hợp mẫu so sánh vi vết phải được tạo ra tương tự như sự hình thành và thu thập như của vi vết thu tại hiện trường. Điều này rất quan trọng trong giám định, nó cho phép nắm bắt được những đặc điểm đặc thù của vi vết. Việc bảo quản vi vết phải phù hợp với từng loại vi vết nhất định để không mất đi đặc tính của vi vết, ví dụ như vi vết máu trước khi bao gói bao giờ cũng phải để thật khô trong điều kiện nhiệt độ khoảng 20 đến 25 độ C, chỗ thoáng gió. Tuyệt đối không phơi nắng hoặc sấy khô ở nhiệt độ trên 40 độ C.


Để giám định được vi vết thì điều kiện đầu tiên là tách được dấu vết ra khỏi vật mang và làm sạch các tạp chất lẫn vào chúng. Đây là một thao tác rất quan trọng đối với các loại vi vết hóa học và sinh học vì nếu không tách dấu vết thì kết quả phân tích sẽ không chính xác. Độ chính xác của kết quả phân tích chỉ có ý nghĩa khi làm sạch được mẫu vi vết cần giám định. Tùy theo từng loại vi vết mà có những phương pháp giám định riêng, nhưng phương pháp giám định quan trọng nhất đối với các loại vi vết đó là sử dụng kính hiển vi. Giai đoạn đầu tiên khi giám định vi vết là quan sát dưới kính hiển vi, sau đó căn cứ vào các đặc điểm riêng biệt của vi vết để có thể lựa chọn, sử dụng phương pháp khác phù hợp. Một nguyên tắc bất dịch đó là không làm thay đổi trạng thái và bản chất của vi vết, thậm chi ngay cả khi kết thúc giám định, trừ trường hợp bất khả kháng.


Kính hiển vi điện tử giữ một vai trò quan trọng trong giám định dấu vết hình sự nói chung và vi vết hỉnh sự nói riêng, đặc biệt là loại hiển vi điện tử quét – microsonde. Thiết bị này vừa cho phép nghiên cứu những đặc điểm kiến trúc bề mặt của vi vết với độ phóng đại rất lớn và tạo những bức ảnh để lưu giữ, đồng thời cho biết thành phần hóa học của dấu vết trên bề mặt mẫu. Thiết bị này không phá hủy mẫu, cho phép sau đó có thể giám định bằng phương pháp khác. Đây chính là tính ưu việt của kính hiển vi điện tử trong hoạt động giám định.


Kết quả nghiên cứu sự hình thành và tồn tại của vi vết hình sự đã góp phần hoàn thiện thêm công tác phát hiện, thu lượm, bảo quản và giám định vi vết hình sự. Để nâng cao công tác khám nghiệm hiện trường các vụ án hình sự, chúng tôi đề xuất nghiên cứu chuyên sâu về sự hình thành và tồn tại của vi vết hình sự theo từng lĩnh vực giám định như vi vết sinh vật, vi vết cơ học…


Đối với công tác khám nghiệm hiện trường, phát hiện thu lượm và bảo quản vi vết hình sự ở công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố trực thuộc tỉnh, thị xã, quận, huyện chúng tôi đề nghị phải có cán bộ chuyên trách về công tác khám nghiệm phát hiện, thu lượm và bảo quản vi vết hình sự vì dấu vết này xuất hiện hầu hết ở các vụ án hình sự. Để công tác này được tốt, hàng năm Viện Khoa học hình sự phải đào tạo bồi dưỡng kiến thức về lĩnh vực giám định vi vết hình sự và các phương pháp phát hiện vi vết hình sự cho cán bộ địa phương


Công tác khám nghiệm hiện trường phải được trang bị đủ các vali khám nghiệm cho từng lĩnh vực giám định, đối với giám định vi vết hình sự nhất thiết phải có trang thiết bị là kính hiển vi điện tử với độ phóng đại rất lớn, có chức năng lưu giữ hình ảnh phóng đại.


Nếu thực hiện tốt những nội dung đã phân tích ở trên, chúng tôi cho rằng số vụ án hình sự được thu và giám định vi vết hình sự sẽ tăng lên so với hiện nay và thông qua kết quả giám định vi vết hình sự sẽ góp phần đắc lực vào công tác điều tra, khám phá các vụ án hình sự đạt kết quả cao.


Vũ Duy Long Trưởng Bộ môn Pháp luật, T51

 

.