2 cán bộ công an vừa bị khởi tố về tội dùng nhục hình. Dư luận đặt câu hỏi, liệu còn bao phận người chịu cảnh ép cung, dùng nhục hình mà phải cam chịu?
 
Cục Điều tra VKSNDTC vừa tống đạt quyết định khởi tố hai bị can Huỳnh Ngọc Tòng (nguyên Thiếu tá, Đội phó Đội Điều tra công an TP.Cao Lãnh, Đồng Tháp) và Phạm Xuân Bình (nguyên Thiếu úy, cán bộ điều tra công an TP.Cao Lãnh) cùng về tội dùng nhục hình. Theo cơ quan điều tra, trong quá trình lấy lời khai, hai cán bộ công an này đã đánh đập nghi can, khiến nạn nhân tử vong.
 
Khi dư âm của những Nguyễn Thanh Chấn, Hàn Đức Long... vẫn chưa thôi day dứt thì việc khởi tố hai cán bộ công an này là một động thái tích cực của cơ quan bảo vệ pháp luật. Thế nhưng, dư luận băn khoăn, trong những vụ dùng nhục hình, dường như chỉ khi có hậu quả đến mức nạn nhân tử vong, cơ quan điều tra mới chấp nhận... khởi tố vụ án?

 

 Vụ án oan của ông Chấn đã để lại nhiều nhức nhối về nạn bức cung, dùng nhục hình
Vụ án oan của ông Chấn đã để lại nhiều nhức nhối về nạn bức cung, dùng nhục hình
 
Nạn nhân tử vong mới... khởi tố?
 
Theo thông tin đăng tải trên báo chí, trưa 16/11/2012, Nguyễn Tuấn Thanh (ngụ tại xã Mỹ Thạnh Tây, huyện Đức Huệ, Long An) cùng Phạm Quốc Nhụt (trú cùng xã) chạy xe từ TP.Cao Lãnh về huyện Đức Huệ. Đến gần trụ sở công an xã Đốc Bình Kiều, cả hai bị bốn công an viên của xã này chặn lại kiểm tra giấy tờ, sau đó đưa về trụ sở làm việc. Tại đây, xuất hiện thêm hai người xưng là cảnh sát hình sự công an TP.Cao Lãnh đến lấy lời khai. Nghi ngờ Thanh và Nhựt có liên quan đến nhiều vụ trộm cắp xe máy trên địa bàn, hai cán bộ công an đã đưa cả hai về TP.Cao Lãnh.
 
Theo tường trình của Nhựt, sau khi bị đưa về trụ sở công an TP.Cao Lãnh để lấy lời khai, cả hai bị giam ở hai phòng riêng biệt. Trong khoảng thời gian bị giam giữ, Nhựt và Thanh bị đánh ngất lên ngất xuống. Đến gần trưa ngày 17/11, Nhựt không nghe thấy tiếng la hét của Thanh nữa. Chiều tối cùng ngày, Nhựt được thả ra còn Thanh được đưa đến bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Tháp cấp cứu. Tuy nhiên, theo phía bệnh viện, bệnh nhân đã chết trước khi đến bệnh viện.
 
Theo biên bản khám nghiệm tử thi, bệnh nhân bị chấn thương phần mềm ở ngực và chi. Trên người có các vết bầm tím tại cổ tay, chân, đùi, ngực do tác động mạnh từ bên ngoài.

 

Dùng nhục hình khiến nghi can tử vong (ảnh minh họa)
Dùng nhục hình khiến nghi can tử vong (ảnh minh họa)
 
Cho rằng con mình chết oan uổng, gia đình Thanh đã làm đơn tố giác, yêu cầu cơ quan chức năng khởi tố, điều tra về cái chết của Thanh. Sau đó, cơ quan điều tra VKSNDTC đã có công văn yêu cầu cơ quan CSĐT công an tỉnh Đồng Tháp cung cấp toàn bộ hồ sơ liên quan đến việc tử vong của Thanh để điều tra làm rõ. Đầu tháng 1/2013, công an tỉnh Đồng Tháp đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc đến cơ quan này. Sau gần một năm điều tra, cơ quan điều tra VKSNDTC xác định, trong quá trình lấy lời khai, hai cán bộ công an nói trên đã dùng nhục hình, gây thương tích cho nghi can Thanh. Cục Điều tra VKSNDTC đã tống đạt quyết định khởi tố hai bị can Huỳnh Ngọc Tòng và Phạm Xuân Bình cùng về tội dùng nhục hình.
 
Cũng liên quan đến tội dùng nhục hình gây chết người, đầu năm 2013, cục Điều tra VKSNDTC đã khởi tố 5 cán bộ công an thuộc tỉnh Phú Yên và TP.Tuy Hòa về tội này. Theo hồ sơ vụ việc, do nghi ngờ Ngô Thanh Kiều (SN 1983, trú tại xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa) và đồng phạm thực hiện một số vụ trộm két sắt trên địa bàn tỉnh Phú Yên nên sáng 13/5/2012, một số trinh sát hình sự, điều tra viên công an TP.Tuy Hòa, công an huyện Tây Hòa và công an xã Hòa Đồng đã đến nhà còng tay, bắt giữ Kiều khi chưa có lệnh bắt tạm giam.
 
Sau khi đưa Kiều về trụ sở, một số trinh sát công an TP.Tuy Hòa và phòng CSHS (PC45, công an tỉnh Phú Yên) đã tiến hành đấu tranh khai thác. Đến chiều cùng ngày, Kiều bị đưa đến PC45 công an tỉnh Phú Yên để đồng bọn nhận dạng. Tuy nhiên, Kiều bị choáng, phải đưa đi cấp cứu nhưng đã tử vong. 
 
Liệu có bao nhiêu vụ ép cung, nhục hình?
 
Có thể nói, đỉnh điểm của việc xét xử người oan, sai do dùng nhục hình, bức cung, ép cung của cơ quan điều tra chính là vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang. Qua 2 cấp toà xét xử, mặc dù ông Chấn hết mực kêu oan không hiếp dâm, giết người, toà án vẫn bỏ ngoài tai, xét xử theo hồ sơ vụ án. Lối xét xử "án tại hồ sơ" một cách khô cứng trong vụ án này đã đẩy người vô tội vào cảnh tù oan suốt 10 năm qua. Gia đình tan nát, vợ mắc bệnh tâm thần, 4 đứa con phải nghỉ học giữa chừng vì bạn bè, dư luận lên án... Đó là những hệ luỵ mà ông Chấn và gia đình đã, đang phải gánh chịu.
 
Cũng may là ông Chấn vẫn còn có cơ hội được minh oan, nếu ngày đó, ông bị kết án tử thì không biết hậu quả sẽ thế nào. Điều dư luận quan tâm, những kẻ "gieo gió" cho ông Chấn sẽ gặp "bão" như thế nào nhất là khi người tố cáo không đưa ra được chứng cứ chứng minh mình bị ép cung, mớm cung, nhục hình. 10 năm, đủ để "phủi" hết những vết chàm bám trên tay những người thực thi pháp luật.
Trên thực tế, việc nghi can tố cáo bị ép cung là rất khó chứng minh vì không có nhân chứng, vật chứng. Và thực tế, đã có bao nhiêu với những nạn nhân của những vụ ép cung, mớm cung và dùng nhục hình như trên?
 
Bất ngờ thông tin một số bị can trong vụ Dương Chí Dũng tố bị ép cung
 
Mới đây nhất, trong phiên toà xét xử Dương Chí Dũng và đồng bọn phạm tội tham ô và cố ý làm trái các quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng, có 3 bị cáo Huỳnh Hữu Đức, Lê Ngọc Triện và Lê Văn Lừng (cán bộ chi cục Hải quan Vân Phong, tỉnh Khánh Hoà) cũng tố bị ép cung, mớm cung, dùng nhục hình.

 

Bị cáo trong vụ xét xử Dương Chí Dũng và đồng phạm cũng kêu bị ép cung
Bị cáo trong vụ xét xử Dương Chí Dũng và đồng phạm cũng kêu bị ép cung
 
Trước toà, bị cáo Lừng cho biết: Ụ nổi không phải là con tàu, nhưng cán bộ điều tra ép bị cáo phải nhận ụ nổi là con tàu...?! Vì không nghe, Lừng bị đưa vào phòng giam có 5 thanh niên lực lưỡng. Họ bắt Lừng cởi quần áo, đánh đập tàn nhẫn, bắt phải thừa nhận ụ nổi là tàu...?! Tại toà, bị cáo Lừng phản cung, xin thay đổi lời khai trước đây tại cơ quan điều tra, vì lý do bị ép cung...?! Tuy nhiên, do không đưa được chứng cứ chứng minh lời mình nói, lời khai của bị cáo Lừng nhanh chóng bị HĐXX bác bỏ.
Cùng phản cung như Lừng, bị cáo Lê Ngọc Triện cũng tố bị điều tra viên ép cung và khuyên hợp tác với cơ quan điều tra, đừng như Lừng giam trên Phú Thọ, bị anh em trong phòng giam ngược đãi…?! Còn bị cáo Huỳnh Hữu Đức tố quá trình làm việc với cơ quan điều tra, điều tra viên ghi nội dung vào tờ giấy và bắt ghi theo nội dung đó, trong khi bị cáo này muốn viết bản tự khai theo ý mình thì không được...?. Cho rằng cả 3 lời phản cung nói trên đều không có căn cứ pháp lý nên HĐXX không chấp thuận. 
 
Chủ tịch nước  yêu cầu cơ quan tố tụng giảm bớt oan, sai
 
Mới đây, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đã làm việc với lãnh đạo TANDTC về đánh giá hoạt động của ngành theo tinh thần cải cách tư pháp năm 2013, thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của ngành 2014. Chủ tịch nước đã đề nghị đại diện các cơ quan tố tụng tóm lược bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tế chống oan sai, bỏ lọt tội phạm; trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung; tranh tụng tại phiên tòa; phát hiện hành vi phạm tội mới. Chủ tịch nước gợi mở, ngành tòa án cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả hơn công tác cải cách tư pháp, giảm bớt hiện tượng oan sai, án cải sửa, kết hợp tranh tụng và xét xử trong hoạt động tố tụng.

 

Theo ĐS&PL