(BVPL) - Gần đây dư luận địa phương, đặc biệt là các bậc phụ huynh có con em học tại trường THPT Cù Chính Lan băn khoăn về sự việc ngân sách của trường thâm hụt hơn 234 triệu đồng. Có hay không việc bao che sai phạm?
Qua việc thực hiện kiểm tra định kỳ vấn đề thu chi của trường vào tháng 8-2012, Ban Thanh tra nhân dân trường THPT Cù Chính Lan đã đưa ra kết luận thâm hụt quỹ hơn 234 triệu đồng. Khi kết luận thanh tra được công bố, không chỉ nội bộ nhà trường mà các phụ huynh có con em theo học tại trường hết sức băn khoăn.
Vì sao ngân sách nhà trường bỗng nhiên thâm hụt với số lượng lớn như vậy? Sau khi có kết luận thanh tra cụ thể, Ban giám hiệu (BGH) trường THPT Cù Chính Lan đã yêu cầu thủ quỹ là bà Hồ Thị Thu Hiền xem xét lại cụ thể và giải trình rõ ràng.
Trong bản kiểm điểm ngày 18-9-2012 gửi lên BGH, bà Hồ Thị Thu Hiền phân trần: “Trong thời gian qua vì bản thân bị bệnh, hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn, không thể vay mượn được tiền, nên bản thân đã tự ý sử dụng tiền quỹ của nhà trường để trang trải công việc gia đình và chữa bệnh cho mình”.
Để đảm bảo tính trung thực, nghiêm minh trước sự việc, sau khi có ý kiến của Hội đồng quản trị (HĐQT), bà Nguyễn Thị Huê – Hiệu trưởng trường THPT Cù Chính Lan đã báo cáo sự việc lên Thanh tra Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An để được giúp đỡ xử lý. Tuy nhiên, phía Thanh tra Sở cho biết, đối với trường tư thục việc thâm hụt tài chính do HĐQT và trường tự xử lý.
Trước ý kiến trên của Thanh tra Sở, phía trường THPT Cù Chính Lan đã tổ chức họp và đi đến thống nhất xử lý nội bộ sự việc. Theo đó, cá nhân bà Hồ Thị Thu Hiền phải hoàn trả toàn bộ số tiền 234 triệu đồng, chậm nhất đến ngày 31-12-2012.
Đến hạn theo cam kết hoàn trả nhưng bà Hiền chỉ trả được 150 triệu đồng cho nhà trường. Việc hoàn trả kéo dài khiến nội bộ nhà trường cũng như nhiều phụ huynh băn khoăn và một số thầy cô trong trường phải làm đơn kiến nghị các cơ quan chức năng giải quyết.
Để làm sáng tỏ thắc mắc này, PV đã có buổi làm việc với bà Nguyễn Thị Huê và được biết: “Nếu nói rằng có sự bao che khi xử lý việc cô Hiền thủ quỹ làm thâm hụt tài chính của nhà trường là không đúng. Bởi lẽ, khi phát hiện ra sự việc, bản thân tôi cũng đã kịp thời trình xin ý kiến từ Thanh tra Sở, HĐQT để có hướng làm rõ và xử lý nghiêm cá nhân cô Hiền. Thứ nữa, quá trình giải quyết sự việc, qua các cuộc họp, nội bộ nhà trường đều đi tới thống nhất xử lý nội bộ vì dù sao trong quá trình công tác, thực hiện nhiệm vụ được giao 10 năm qua bản thân cô Hiền chưa từng gây nên bất cứ một sai phạm nào. Vì đây là sai phạm lần đầu nên nội bộ nhà trường chỉ kỷ luật cho thôi giữ công tác thủ quỹ”.
Bản thân cô Hiền cũng đã làm đơn tường trình, xin phía BGH cho thêm thời gian để vay mượn, bán nhà,… lấy tiền hoàn trả cho nhà trường. Như vậy, trong toàn bộ quá trình xử lý sự việc này, bà Nguyễn Thị Huê đã giải quyết hết sức kiên quyết, minh bạch dựa trên ý kiến chung, công khai trong các cuộc họp nội bộ của BGH nhà trường.
Sự việc này cũng là lời cảnh báo về lỗ hổng trong công tác quản lý, không thực hiện theo quy định tại Thông tư số 164/2011/TT- BTC, ngày 17-11-2011 của Bộ Tài chính về việc quy định quản lý thu, chi bằng tiền mặt qua hệ thống Kho bạc Nhà nước, giữ trực tiếp lượng tiền mặt nhiều, điều đó đã tạo “đất sống” cho tiêu cực.
Hoàng Phạm / PL&XH